Viêm da tụ cầu là bệnh gì? Triệu chứng điển hình và cách điều trị hiệu quả

Viêm da tụ cầu là tình trạng viêm nhiễm da có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh có thể mắc ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc tìm hiểu kỹ những thông tin về bệnh là vô cùng quan trọng để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Viêm da tụ cầu là bệnh gì?

Viêm da tụ cầu là một dạng bệnh viêm da khá phổ biến. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, nhất là vào trong và sau những trận mưa lũ, vùng bị nước ngập bị ô nhiễm bởi nặng nề bởi nguồn nước bẩn (nước thải sinh hoạt, nước ao hồ tù đọng, nước thải công nghiệp,…) khiến tụ cầu khuẩn có điều kiện thuận lợi để sinh sôi và gây ra bệnh viêm da.

Vi khuẩn tụ cầu có thể tìm thấy ở nhiều nơi xung quanh con người và ngay cả trên da, niêm mạc đường hô hấp người. Kết quả điều tra cho thấy cứ khoảng 10 người khỏe mạnh thì có đến 3 người có vi khuẩn tụ cầu vàng trên cơ thể. Chúng có sức đề kháng mạnh và gần như không chịu tác động bởi thay đổi của môi trường.

Ở điều kiện bình thường, con người khỏe mạnh các khuẩn tụ cầu này không gây bệnh trên da. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, môi trường ô nhiễm, chấn thương da sẵn có,… khiến cho vi khuẩn tụ cầu gia tăng độc tính, xâm nhập vào da và gây ra triệu chứng nhiễm trùng da, làm loét, phỏng rộp trên da. 

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da tụ cầu

Tụ cầu khuẩn thường gây tổn thương ở nang lông, với tổn thương là những mụn mủ mọc ở lỗ chân lông khắp cơ thể hoặc khu trú tại một vùng da nhất định, trừ khu vực lòng bàn tay và lòng bàn chân. Viêm da tụ cầu thường chia ra thành 4 thể bệnh chính, mỗi thể bệnh có những triệu chứng, dấu hiệu riêng biệt:

1.Viêm da tụ cầu thể viêm nang lông nông

Người bị viêm nang lông nông là tình trạng viêm nông ở phần đầu lỗ chân lông, thường xuất hiện ở bộ phận đầu, trán, gáy, cằm, lưng. Triệu chứng ban đầu của bệnh gồm lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau nhẹ, sau đó dần hình thành mụn mủ nhỏ, xung quanh nang lông có quầng viêm. Sau vài ngày mụn mủ vỡ ra, khô lại thành lớp vẩy tiết nâu sẫm hình tròn. Lớp vẩy bong đi, không để lại sẹo. Nếu viêm nang lông nông ở da đầu trẻ thường để lại chấm sẹo nhỏ, tóc rụng trụi.

Viêm da tụ cầu thể viêm nang lông nông
Viêm da tụ cầu thể viêm nang lông nông

2. Viêm nang lông sâu

Viêm nang lông sâu (Deep folliculitis) là tình trạng viêm nhiễm sâu trong lỗ chân lông. Thể bệnh này thường hình thành do tụ cầu vàng có độc tố cao gây ra. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở cằm, mép, gáy, ria tóc, đầu và có tính chất diễn biến dai dẳng, tái phát nhiều lần.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh gồm: Khi mới hình thành khuẩn tụ cầu làm xuất hiện mụn mủ quanh lỗ chân lông. Sau đó, tình trạng nhiễm khuẩn sâu vào lớp trung bì da và lan rộng thành mụn mủ mọc rải rác hoặc tập trung lại thành đám đỏ, cứng cộm, sần sùi.

3. Đinh nhọt

Đinh nhọt cũng là một dạng của viêm nang lông nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn do vi khuẩn có độc tố cao gây ra. Bệnh gây viêm toàn bộ nang lông, lan ra vùng da lành khác, tạo thành vết loét sâu ở da, thậm chí có thể gây hoại tử da. Đinh nhọt thường gặp ở vùng gáy, lưng, mông, hai bên cánh tay chân.

Lúc đầu trên da xuất hiện nốt đỏ, sưng đau, cứng cộm, sau đó các nốt đỏ này chuyển thành nhọt mủ, có ngòi bên trong. Sau khoảng 8 – 10 ngày, đinh nhọt vỡ mủ, nếu nặn ra sẽ thấy một ngòi đặc. Nhọt vỡ mủ sẽ khô cứng lại, tạo thành lớp vảy tiết màu vàng, nhưng không để lại sẹo. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt cao do vi khuẩn xâm nhập, nổi hạch đau ở xung quanh nhọt.

Ở trường hợp đinh nhọt nghiêm trọng là nhọt mọc gần nhau tạo thành nhọt cụm thì khu vực nhiễm bệnh bị sưng nề, đỏ tím, chứa nhiều dịch mủ, nhân ngòi lỗ chỗ như tổ ong.

Viêm da tụ cầu thể đinh nhọt
Viêm da tụ cầu thể đinh nhọt

4. Nhọt ổ gà

Bệnh hình thành do tình trạng viêm nang lông đi kèm bệnh viêm tuyến hôi (tuyến bã) ở vùng nách tạo thành túi u bã. Nếu u bã nổi thành cục trong nang lông nách gọi là nhọt ổ gà. Ban đầu các nốt nhọt cứng sau đó mềm dần và vỡ mủ. Nhọt ổ gà thường diễn biến kéo dài, dễ tái nhiễm, nhất là vào mùa hè.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da tụ cầu

Viêm da tụ cầu xảy ra do vi khuẩn tụ cầu hoặc do sự kết hợp của cả vi khuẩn tụ cầu và liên cầu với nhau. Bệnh hình thành do vi khuẩn tụ cầu và liên cầu tồn tại trên da gặp được điều kiện thuận lợi để sinh sôi và phát triển, hình thành triệu chứng viêm da. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm da tụ cầu như:

  • Cơ thể suy nhược, thiếu dinh dưỡng, hệ miễn dịch hoạt động kém, mắc các bệnh da liễu,…
  • Các vết thương hở, vết cắt, trầy xước trên da nhưng không được sát khuẩn, băng bó kỹ khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào da.
  • Thời tiết thất thường như lũ lụt, thiên tai gây mưa nhiều, nguồn nước bị ô nhiễm, độ ẩm cao dễ dẫn đến bệnh lý viêm da.
  • Vệ sinh cơ thể kém, không sạch sẽ khiến da trở thành nơi tích tụ vi khuẩn.
  • Ngâm người hoặc chân tay lâu trong nước bẩn.
  • Các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh khiến mồ hôi tiết ra nhiều, da luôn âm ướt, tắc bí, bụi bẩn và vi khuẩn bám vào da.

Bệnh viêm da tụ cầu khuẩn có lây không? Có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia da liễu, viêm da tụ cầu có thể lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với vật dụng riêng của người bệnh. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, nếu không được kiểm soát tốt có thể bùng phát thành bệnh dịch nghiêm trọng.

Viêm da tụ cầu còn gây ra đau nhức, khó chịu trên da. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ có nhiều trường hợp mắc bệnh nhất. Theo kết quả thống kê có đến 90% các trường hợp bị viêm da tụ cầu ở trẻ nhỏ. Vì vậy, không chỉ người lớn, bố mẹ có con nhỏ cần chủ động tìm hiểu và có biện pháp phòng ngừa viêm da tụ cầu ở trẻ.

Viêm da liên cầu khuẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh như:

  • Nhiễm khuẩn huyết: Đây là biến chứng có nguy cơ tử vong cao. Khi vi khuẩn tụ cầu xâm nhập qua da vào đường máu thông qua những vết thương hở, vết trầy xước. Tình trạng này thường tiến triển nặng nề và không thể tự khỏi.
  • Hội chứng sốc nhiễm trùng: Là một dạng biến chứng nặng của nhiễm trùng huyết, nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến tổn thương tế bào, các cơ quan nội tạng dẫn đến tử vong. Người bệnh bị sốt cao, mạch đập nhanh, tụt huyết áp, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban ở lòng bàn chân và tay.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Vi khuẩn tụ cầu sau khi xâm nhập vào máu, theo dòng máu chảy xâm nhập vào khớp gây đau nhức nghiêm trọng, nóng và sưng khớp.

Do đó, để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh, bản thân người bệnh hoặc cha mẹ có con nhỏ cần sớm thăm khám để kịp thời có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa khoa học.

Nhiễm trùng huyết là một dạng biến chứng nghiêm trọng của viêm da tụ cầu
Nhiễm trùng huyết là một dạng biến chứng nghiêm trọng của viêm da tụ cầu

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế ngay lập tức nếu xuất hiện dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện vùng da đỏ, sưng đau, phù nề, có giới hạn rõ ràng so với vùng da khác.
  • Sốt cao, tình trạng viêm da có mủ kích thước to
  • Tình trạng mụn nhọt kéo dài dai dẳng trong nhiều ngày mà không biến mất.

Biện pháp điều trị viêm da tụ cầu khuẩn

Viêm da tụ cầu được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh có phương pháp điều trị khác nhau. Tùy thuộc thể bệnh, mức độ tổn thương da mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị thích hợp nhất.

Sử dụng thuốc điều trị

1. Điều trị viêm da tụ cầu thể viêm nang lông nông

Người bệnh có thể dùng cồn iot nồng độ 1-3%, dung dịch xanh methylen 1% bôi trực tiếp lên vùng da bị viêm nang lông nông. Loại thuốc này có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch và dịu bớt tổn thương trên da.

Ngoài ra, người bệnh có thể bôi thuốc mỡ Chloroxid 1%, Bactroban, Fucidin trực tiếp trên vùng da bị viêm nang lông nông. Những loại thuốc này thường được dùng trong điều trị những trường hợp nhiễm trùng da ở nông và sâu, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng trên da.

2. Viêm nang lông sâu

Viêm nang lông sâu gây tổn thương da khá nghiêm trọng. Khi điều trị có thể dùng thuốc như cồn iot 1-3%, dung dịch xanh methylen 1% để sát khuẩn tại chỗ và giải độc tố của khuẩn tụ cầu.

Sau đó dùng thuốc mỡ kháng sinh Penixilin, Chloroxid 1%, Oxyd vàng thuỷ ngân 10%, Bactroban, Fucidin để tiêu viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp bổ sung thêm vitamin C, B, A,… và các chất dinh dưỡng để da lành thương nhanh hơn.

NSử dụng thuốc bôi điều trị tại chỗ để làm dịu bớt triệu chứng bệnh
Sử dụng thuốc bôi điều trị tại chỗ để làm dịu bớt triệu chứng bệnh

3. Đinh nhọt

Trường hợp nhọt mới nổi sưng đỏ, cứng thì chấm cồn Iot 3 – 5% để sát khuẩn cho da, không nên nặn nhọt sớm. Nếu nhọt đã vỡ mủ thì nặn hết nhân ngòi bên trong, rửa vết nhọt bằng oxy già, cồn Iot để làm sạch da, ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Với thể bệnh này, người bệnh cần băng vết thương để hạn chế vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào da, gây nhiễm trùng. Sau khi nốt đinh nhọt vỡ mủ, khô dàn lại nên thay băng gạc hàng ngày.

Trường hợp tình trạng đinh nhọt nghiêm trọng cần phối hợp sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng mạnh với tụ cầu khuẩn, ở dạng uống hoặc tiêm. Ngoài ra, người bệnh nên sử dụng thêm vitamin tổng hợp để tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cơ thể.

4. Nhọt ổ gà

Làm sạch da bằng thuốc tím pha loãng theo tỉ lệ 1/4000, dung dịch povidon iot 10%,… Sau đó, điều trị bằng cách bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ như thuốc mỡ Chlocid 1%, Bactroban, Eosin 2%,..

Nếu bệnh phát triển theo chiều hướng nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Trường hợp bị nhiễm trùng áp xe hóa hình thành nhiều ổ viêm xơ bác sĩ cần chỉ định phẫu thuật rạch vết thương để chích nặn hết nhân mủ bên trong.

Lưu ý: Khi sử dụng thuốc điều trị viêm da liên cầu, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định kê đơn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng, tần suất sử dụng để hạn chế gặp phải những tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị bằng các nguyên liệu tự nhiên tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể áp dụng một số cách chăm sóc và điều trị tại nhà như:

  • Chườm mát giúp làm dịu đau nhức và sưng đỏ trên da: Chườm túi mát lên vùng da bị viêm trong khoảng 15 phút.
  • Sử dụng tinh dầu khuynh diệp pha vào nước tắm: Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng khử trùng, chống viêm và thúc đẩy khả năng tái tạo tế bào da rất tốt. Nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước tắm có thể cải thiện tình trạng viêm sưng ở các nang lông.
  • Tắm bột yến mạch: Yến mạch có khả năng sát trùng, giảm viêm ngứa, hạn chế thâm sẹo, bảo vệ da hiệu quả. Cho bột yến mạch vào nước tắm nhiệt độ từ 35-37 độ C. Tắm bằng nước yến mạch, rồi làm sạch lại cơ thể với nước máy.
  • Sử dụng tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có khả năng kháng khuẩn, chống viêm đỏ, thúc đẩy phục hồi da, giảm nguy cơ hình thành thâm sẹo. Sau khi làm sạch da, thoa vài giọt tinh dàu tràm trà lên vùng da bị viêm sưng. Hoặc có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm trà vào nước ấm để xông rửa hàng ngày.
  • Xông hơi bằng lá chè xanh: Trong lá chè xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng phục hồi, tái tạo các tế bào hư tổn, cải thiện hàng rào bảo vệ da; ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn, nấm men gây bệnh. Lựa chọn lá chè tươi non rửa sạch, đun sôi với 3 lít nước trong khoảng 15 phút. Dùng nước chè xanh tắm hàng ngày để giảm viêm ngứa trên da.
Bột yến mạch có công dụng phục hồi da tổn thương hiệu quả
Bột yến mạch có công dụng phục hồi da tổn thương hiệu quả

Lưu ý: Các biện pháp điều trị tại nhà trên thích hợp với những tổn thương da ở mức độ nhẹ, mới khởi phát hoặc trong trường hợp vùng da viêm nhiễm đã khô lại, không rỉ dịch. Không thực hiện với trường hợp viêm da tụ cầu gây tổn thương sâu, có vết viêm loét hở, chảy mủ trên da.

Phòng ngừa và chăm sóc để tránh bị nhiễm bệnh

Để kiểm soát tốt tổn thương trên da và rút ngắn thời gian điều trị, người bệnh nên xây dựng cho bản thân thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tích cực, bao gồm:

  • Tắm rửa, vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng nước sạch, sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ cho da.
  • Không nên tắm nước sông, suối, ao, hồ,… vì có chứa rất nhiều vi khuẩn gây viêm da, trong đó có tụ cầu khuẩn. Nếu phải sử dụng thì nên khử khuẩn, làm trong bằng phèn chua 
  • Đặc biệt với trẻ sơ sinh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khô thoáng ở những vùng da nhiều nếp kẽ, nếp gấp, ngấn mỡ nhiều mồ hôi, bã nhờn. 
  • Hạn chế tiếp xúc với bề mặt đồ vật, dụng cụ có nhiều người cùng tiếp xúc như: tay vịn ở cửa và cầu thang, vòi nước công cộng,…
  • Điều trị triệt để, dứt điểm các bệnh lý ngoài da để tránh cho tụ cầu khuẩn có cơ hội xâm nhập vào máu.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo, khăn mặt,…
  • Rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh.
  • Không cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị viêm. Với trẻ em, bố mẹ chú ý cắt ngắn móng tay, chân của trẻ.

Viêm da tụ cầu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt, thẩm mỹ. Vì vậy, người bệnh nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được điều trị y tế, phòng ngừa biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát càng sớm càng tốt.

4.4/5 - (5 bình chọn)

Tin mới

Bài Thuốc Thảo Dược Điều Trị Mất Ngủ Đỗ Minh Đường – Bí Quyết Ngủ Ngon Cho Người Mất Ngủ Kinh Niên

Nổi Mề Đay Ở Cổ: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Bệnh Hiệu Qủa

Tổng hợp các loại thuốc trị chàm khô nhanh khỏi nhất hiện nay

Top 13+ cách chữa đau dạ dày khẩn cấp hiệu quả tức thì

Các Loại Thuốc Chống Xuất Tinh Sớm Hiệu Quả Tốt Nhất

Top 11 Thuốc Trị Rối Loạn Cương Dương Hiệu Quả Nhất

Dấu hiệu nổi mẩn ngứa ở chân, tay: Cách phòng ngừa và điều trị

Mẩn Ngứa Ở Trẻ Do Đâu? Cách Điều Trị Sớm An Toàn, Hết Ngứa

Nổi Mẩn Ngứa Sau Khi Tắm Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ ngứa ở chân và hướng điều trị

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?