Bệnh eczema là gì? Triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Bệnh eczema là một căn bệnh da liễu với các triệu chứng riêng biệt ở mỗi thể bệnh. Bệnh có đặc tính dễ tái phát, dai dẳng và gần như không thể điều trị dứt điểm. Hãy cùng tìm hiểu thông tin về căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây. 

Bệnh eczema là bệnh gì? 

Bệnh eczema còn được gọi với cái tên khác là bệnh chàm. Đây là một dạng viêm da mãn tính, dễ tái phát và kéo dài dai dẳng. Bệnh gây tổn thương có hình thái đa dạng, phụ thuộc vào thể bệnh và giai đoạn phát triển của bệnh. 

Hình ảnh ệnh eczema
Hình ảnh ệnh eczema

Eczema là căn bệnh ngoài da với các triệu chứng điển hình là ngứa ngáy, khó chịu, nổi mụn nước, da khô ráp. Hiện nay, các biện pháp điều trị bệnh chỉ giúp làm giảm triệu chứng, giảm tổn thương trên da chứ không thể điều trị dứt điểm. 

Nguyên nhân gây bệnh eczema

Nguyên nhân gây bệnh eczema khá phức tạp, bao gồm cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Thông qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học xác định được cơ chế hình thành bệnh có vai trò của tế bào lympho T và sự gia tăng kháng nguyên trong huyết tương. 

Mặc dù không xác định được chính xác, tuy nhiên, theo một số thống kê, bệnh có thể khởi phát do một số nguyên nhân như sau:

Nguyên nhân bên trong

Một số nguyên nhân bên trong gây ra bệnh chàm eczema như:

  • Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố tác động đến hoạt động của hệ miễn dịch, kích thích các tế bào lympho T và gây bùng phát các triệu chứng bệnh eczema.
  • Rối loạn thần kinh: Tình trạng stress, trầm cảm, lo âu kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị rối loạn. Từ đó dẫn đến hiện tượng phản ứng quá mẫn và khởi phát các triệu chứng của bệnh chàm eczema.
  • Rối loạn chức năng nội tạng: Sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể như dạ dày, tuyến giáp… sẽ tác động trực tiếp đến cơ chế hình thành bệnh chàm eczema. 

Nguyên nhân bên ngoài

Bên cạnh đó, bệnh chàm cũng có thể khởi phát bởi một số nguyên nhân bên ngoài như:

  • Các căn bệnh ngoài da gây ngứa: Nếu không điều trị và xử lý các căn bệnh ngoài da (nấm, ghẻ,…) kịp thời có thể gây ra bệnh eczema thứ phát hay còn gọi là bệnh chàm hóa.
  • Các yếu tố môi trường: Bao gồm dịch tiết côn trùng, xà phòng, ánh sáng, các loại thực phẩm, lông thú cưng… cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Triệu chứng của bệnh eczema

Bệnh chàm được chia thành 3 giai đoạn là cấp tính, bán cấp và mãn tính. Trong 3 giai đoạn chính, bệnh lại được chia thành 4 giai đoạn nhỏ bao gồm:

  • Giai đoạn hồng ban (nổi mẩn đỏ da) thuộc eczema cấp tính.
  • Giai đoạn mụn nước thuộc eczema cấp tính.
  • Giai đoạn xuất hiện da non thuộc eczema bán cấp.
  • Giai đoạn liken hóa da thuộc eczema mãn tính. 

Bệnh chàm cấp tính

Giai đoạn này bao gồm triệu chứng nổi hồng ban (đỏ da) và mụn nước. Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng như sau:

Giai đoạn hồng ban

  • Da xuất hiện các đám, vết đỏ, cộm nhẹ và không có ranh giới rõ ràng với các mảng da lân cận.
  • Quan sát kỹ vùng da xung huyết sẽ nhìn thấy các sẩn tròn nhỏ (thực chất là mụn nước sắp nổi).
  • Tổn thương da sẽ gây ngứa dữ dội.

Giai đoạn chảy nước (mụn nước)

  • Mụn nước bắt đầu xuất hiện ở bề mặt các vết đỏ.
  • Số lượng mụn nước khá nhiều, kích thước từ 1 – 2mm và mọc sát nhau.
  • Mụn nước khá nông và có xu hướng tự vỡ. 
  • Khi mụn nước vỡ, các lớp mụn nước khác lại xuất hiện.
  • Giai đoạn này sẽ tiến triển từ vài ngày đến vài tuần. 
Triệu chứng của bệnh là gây ngứa rát, nổi mụn nước, đỏ da
Triệu chứng của bệnh là gây ngứa rát, nổi mụn nước, đỏ da

Giai đoạn mụn nước là thời điểm lớp da bị trợt loét, tiết nhiều dịch, đỏ và dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát (chàm bội nhiễm). Khi bị bội nhiễm, các vùng da sẽ bắt đầu sưng nóng, có mủ và có vảy tiết.

Bệnh chàm bán cấp

Giai đoạn bán cấp thường không phát sinh triệu chứng rõ ràng và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Một số triệu chứng điển hình trong giai đoạn này bao gồm:

  • Vùng tổn thương da có xu hướng giảm viêm, chảy dịch và giảm xung huyết.
  • Da bắt đầu đóng vảy và hình thành da non.
  • Lớp vảy bong ra làm xuất hiện vùng da mỏng, nhẵn bóng và có màu sẫm hơn các vùng da xung quanh. 

Bệnh chàm mãn tính

Giai đoạn eczema mãn tính đặc trưng với những triệu chứng như sau:

  • Vùng tổn thương da có xu hướng sẫm màu hơn theo thời gian.
  • Da cộm rõ ràng hơn, cảm thấy thô ráp và có dấu hiệu dày sừng.
  • Các vết nứt, hằn xuất hiện ở vùng da bị tổn thương.
  • Cảm giác ngứa ngáy dai dẳng, chàm ngứa

Phân loại bệnh chàm eczema

Eczema được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau. Ở mỗi thể bệnh, triệu chứng, vị trí tổn thương có sự khác biệt rõ rệt.

Eczema tiếp xúc

Thể bệnh này còn được gọi là viêm da tiếp xúc. Đây là một bệnh viêm da mãn tính xảy ra do tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh. Chính vì thế, thể bệnh này thường có ảnh hưởng đến vùng da hở và có tần suất tiếp xúc cao như chân, tay, cổ, mặt…

Dấu hiệu điển hình của thế bệnh là tình trạng da xung huyết, phù nề, đỏ, có mụn nước, thậm chí là bọng nước ở vùng da bị bệnh. Theo thời gian, mụn nước sẽ vỡ, chảy dịch, gây trợt loét, đóng vảy và dày cộm.

Eczema thể địa

Tình trạng này còn được gọi là viêm da cơ địa và là một thể bệnh phức tạp. Cơ chế hình thành bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn miễn dịch và nhiễm sắc thể. Ngoài các triệu chứng tổn thương da, viêm da cơ địa còn đi kèm với sốt, viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Bệnh eczema thể địa thường khởi phát sớm, chủ yếu xuất hiện ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi và có thể xảy ra ở thanh niên lẫn người trưởng thành. Thể bệnh này có hình thái tổn thương đa dạng và phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn phát bệnh. 

Eczema thể đồng tiền (còn gọi là chàm đồng tiền)

Bệnh chàm đồng tiền thường gặp ở nam giới tuổi trung niên và bùng phát mạnh vào mùa thu đông. Thể bệnh này đặc trưng bởi tổn thương có hình oval hoặc tròn. Quá trình tiến triển của bệnh tương đương với viêm da cơ địa. 

Tuy nhiên, thể bệnh này chỉ gây triệu chứng khu trú ở thân mình và ít khi đi kèm với các bệnh lý liên quan đến yếu tố cơ địa. Các nhà khoa học nhận thấy rằng chàm đồng tiền không tăng kháng nguyên trong huyết tương như eczema thể địa. 

Eczema da dầu

Thể bệnh này còn được gọi là viêm da dầu hoặc viêm da tiết bã. Bệnh eczema da dầu ít gây ngứa ngáy, trừ trường hợp xảy ra ở da đầu. Các triệu chứng điển hình là da nổi ban đỏ, tiết nhiều bã nhờn, bong vảy và ẩm dính.

Dấu hiệu của bệnh viêm da dầu thường xảy ra ở vùng có nhiều nếp gấp và vùng da có tuyến dầu hoạt động mạnh như lông mày, da đầu, vùng da dưới ngực…

Bệnh eczema có nguy hiểm không?

Eczema là bệnh viêm da mãn tính và không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây ngứa ngáy dai dẳng, ảnh hưởng đến tâm lý, ngoại hình và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Xem thêm

Bệnh chàm là một bệnh lý không quá nguy hiểm cho sức khỏe
Bệnh chàm là một bệnh lý không quá nguy hiểm cho sức khỏe

Ngoài ra, nếu không điều trị sớm thì bệnh có thể gây ra một số biến chứng nặng nề như:

  • Chàm bội nhiễm: Bệnh thường xảy ra ở cuối giai đoạn cấp tính do virus, nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập vào da gây nhiễm trùng. Ngoài tổn thương da, chàm bội nhiễm còn phát sinh một số triệu chứng toàn thân như nhức mỏi, nóng sốt, buồn nôn, đau đầu…
  • Kích thích các bệnh cơ địa bùng phát: Ở bệnh eczema thể địa, tổn thương da có thể đi kèm dấu hiệu viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm kết mạc, hen suyễn.
  • Ảnh hưởng đến quá trình phát triển: Trẻ nhỏ mắc bệnh chàm thường có thể chất kém, cơ địa nhạy cảm và trí não phát triển chậm. Hơn nữa, tình trạng ngứa ngáy kéo dài còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm suy giảm thể trạng. 

Bệnh eczema có lây không? Mặc dù dễ tái phát, kéo dài dai dẳng nhưng bệnh không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp bội nhiễm, vi khuẩn có thể xâm nhập vào vùng da khác thông qua các vết thương hở.

Bệnh eczema có chữa khỏi được không? Cách điều trị bệnh

Hiện nay, y học chưa có các loại thuốc điều trị eczema dứt điểm. Do đó, mục đích chính trong quá trình chữa trị là cải thiện triệu chứng, nâng cao thể trạng và hạn chế bệnh tái phát.

Sử dụng thuốc Tây y

Bệnh eczema chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc Tây y. Các loại thuốc này sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. 

  • Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này có tác dụng chống dị ứng với cơ chế ức chế trung gian histamin gây bệnh. Thuốc sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy, giảm mức độ tổn thương da.
  • Thuốc uống chứa corticoid: Nhóm thuốc corticoid có tác dụng kháng dị ứng, chống viêm. Do rủi ro cao nên thuốc chỉ được dùng trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh mẽ.
  • Kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh như Erythromycin, Tetracyclin sẽ được chỉ định dùng khi vùng da bị tổn thương nhiễm khuẩn.
  • Dung dịch sát khuẩn và làm dịu da: Khi da bị chảy dịch và trợt loét, bạn nên đắp gạt dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím pha loãng 1/4000, dung dịch Yarish hoặc Nitrat bạc 0,25%. 
  • Hồ nước: Hồ nước được sử dụng kết hợp với một số loại thuốc, dung dịch sát trùng. Loại thuốc này có chứa Calcium carbonate giúp kìm hãm hoạt động của vi khuẩn, giảm đau nhức, sưng viêm.
  • Thuốc tím metin 1%: Nếu vùng da tổn thương bị nhiễm khuẩn, trợt loét nhiều, người bệnh có thể thoa thuốc tím trực tiếp lên da. 

Khi sử dụng thuốc Tây y điều trị bệnh bệnh eczema, người bệnh phải tuân theo chỉ định về liều lượng và cách dùng mà bác sĩ đã chỉ định. 

Đông y chữa bệnh eczema

Theo Đông y, bệnh chàm khởi phát là do phong nhiệt, thấp nhiệt gây ra. Bệnh xảy ra với các triệu chứng như nổi mụn nước, viêm loét, chảy nước, đỏ da… Phương pháp chữa bệnh trong Đông y là thanh nhiệt, giải độc cơ thể, điều trị triệu chứng bệnh. 

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y được áp dụng để điều trị bệnh chàm:

  • Bài thuốc số 1: Thổ phục linh, kim ngân hoa mỗi vị 16g, nhân trần 20g, khổ sâm, hoàng bá, hạ khô thảo, ké đầu ngựa mỗi vị 12g, hoạt thạch 8g. Người bệnh sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc số 2: Hậu phác, phục linh, trư linh, bạch tiễn bì mỗi vị 12g, trạch tả 16g, nhân trần 20g. Người bệnh sắc nước thuốc uống mỗi ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc số 3: Bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo đất mỗi vị 20g, sài đất 100g, ké đầu ngựa, cỏ mần trầu mỗi thứ 20g. Người bệnh sắc thuốc với một lít nước, cạn còn 300ml thì lấy uống.
Bệnh chàm eczema có thể được điều trị bằng các bài thuốc Đông y
Bệnh chàm eczema có thể được điều trị bằng các bài thuốc Đông y

Các bài thuốc Đông y trên chỉ mang tính chất tham khảo, do đó, bệnh nhân cần đến bác sĩ Đông y để thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh và có các bài thuốc điều trị phù hợp. 

Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh có thể áp dụng các cách chữa bệnh eczema từ các dược liệu vườn nhà. Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian chữa bệnh chàm như sau:

  • Cây ngũ gia bì: Cây chứa các hoạt chất như tinh dầu, saponin triterpen có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Người bệnh chuẩn bị rễ ngũ gia bì, thái nhỏ, nghiền thành bột. Ngâm 100g bột rễ ngũ gia bì với 1 lít rượu trong 10 ngày. Mỗi ngày, bạn uống 20ml trước bữa ăn, uống 1 lần/ngày.
  • Cây rau sam: Nhờ khả năng giải độc, kháng viêm tốt, cây rau sam được dân gian sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa trị bệnh chàm. Bạn chuẩn bị 1 nắm lá rau sam tươi, rửa sạch, xay nhuyễn. Bọc rau trong một miếng vải mỏng sạch rồi đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị trong 5 – 10 phút. 
  • Lá lốt: Lá lốt có chứa hoạt chất axit amin, thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương trên da. Đồng thời giúp giảm ngứa ngáy, đau rát khó chịu. Người bệnh chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi, rửa sạch với muối rồi cho vào nồi nước sôi đun với 2 lít nước. Khi nước sôi thì bạn đun thêm 10 phút nữa. Cho nước ra chậu, để nguội rồi ngâm rửa vùng da bị bệnh. 

Cách điều trị này chỉ thích hợp cho những trường hợp bệnh nhẹ, bệnh mới khởi phát. Khi bệnh chàm chuyển biến nặng, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám. 

Các biện pháp phòng ngừa bệnh 

Bệnh chàm eczema tiến triển rất dai dẳng và có xu hướng tái phát cao. Do vậy, bên cạnh việc điều trị khoa học, đúng cách, người bệnh cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:

Người bị eczema không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến da suy yếu
Người bị eczema không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến da suy yếu
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng da, sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi các dị nguyên bên ngoài.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài gây dị ứng như lông thú cưng, hóa chất, mạt bụi…
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế lo âu, căng thẳng trong một thời gian dài.
  • Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt để giảm ma sát lên da. 
  • Không nên tắm quá 10 – 15 phút và tắm với nước quá nóng. Thói quen tắm này sẽ làm mất màng lipid lên da, khiến da suy yếu và bùng phát các bệnh viêm nhiễm. 

Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh eczema và cách điều trị. Mặc dù đây là căn bệnh tiến triển dai dẳng, dễ tái phát, người bệnh vẫn có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

5/5 - (3 bình chọn)

Bạn nên biết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tin mới

Top 10 cách chữa viêm âm đạo bằng thuốc nam dứt điểm, hiệu quả

Huyết trắng là gì? Những dấu hiệu bất thường và hướng xử lý kịp thời

Viêm xoang khi mang thai nguy hiểm không? Phải làm sao?

Bệnh Viêm Xoang: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị

Chữa viêm xoang cho bà bầu an toàn KHÔNG TÁC DỤNG PHỤ

Viêm Xoang Mãn Tính Là Gì: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

TOP 10 thuốc xịt viêm xoang tốt được bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng

16 Cây thuốc nam chữa dạ dày hiệu quả nên sử dụng ngay

11 Loại Lá Tắm Chữa Viêm Da Cơ Địa Dễ Kiếm Và Hiệu Quả

Viêm Da Cơ Địa Ở Tay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?