Phương pháp xoa bóp – Giải pháp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý hiện nay
Xoa bóp là một trong những hình thức vật lý trị liệu giúp phòng và điều trị nhiều chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp xoa bóp cũng cần đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng lúc và đúng chỗ mới phát huy tác dụng.
Phương pháp xoa bóp là gì?
Từ xa xưa, con người đã ứng dụng các phương pháp vật lý trị liệu để phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Hiện nay, dưới tác động của chính sách đẩy mạnh các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của Bộ Y tế, vật lý trị liệu càng được áp dụng phổ biến. Phương pháp này đã chính thức được công nhận như một cách điều trị hiệu quả giúp chức năng cơ thể hồi phục bình thường.
Trong vật lý trị liệu thì xoa bóp là một phương pháp thường được áp dụng. Xoa bóp có đặc điểm là dùng sự khéo léo và sức mạnh của đôi bàn tay để tác động lên các huyệt, da thịt, gân khớp của người được xoa bóp. Lực đạo thích hợp, khả năng xác định chuẩn huyệt vị của kỹ thuật viên sẽ khiến người được xoa bóp có cảm giác sảng khoái, làm dịu đi các chứng đau mỏi của cơ, khớp, thần kinh, thậm chí hỗ trợ điều trị các chứng bệnh ở nội tạng.
Theo y học cổ truyền thì xoa bóp là hình thức thông qua tác động lực vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) để đuổi ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh hoạt lạc và điều hòa các chức năng tạng phủ. Qua đó, giúp phòng trị bệnh và nâng cao sức khỏe.
Có thể khẳng định, nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, xoa bóp bấm huyệt có thể mang lại những hiệu quả tốt.
Tác dụng của xoa bóp
Khi được hỏi, nhiều người khẳng định xoa bóp tốt cho sức khỏe. Sau khi được xoa bóp thấy cơ thể thoải mái, thư giãn, bớt mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những tác dụng của xoa bóp với sức khỏe con người. Dưới đây là các tác dụng chính mà mọi người nên biết:
Tác dụng tại chỗ: Khi kỹ thuật viên thực hiện xoa bóp thì lớp sừng của biểu bì bong ra làm hô hấp của da được tốt hơn. Ngoài ra, tác động lực của việc xoa bóp sẽ làm tăng chức năng tuyến mồ hôi, tuyến mỡ để kích thích việc đào thải các chất bã qua tuyến mồ hôi hiệu quả hơn. Xoa bóp còn làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ, đưa máu tới sát bề mặt da nên rất khiến làn da co giãn tốt, da bóng đẹp và mịn màng.
Đối với cơ gân khớp: Người mắc các bệnh về cơ xương khớp thường được chỉ định xoa bóp bấm huyệt để hỗ trợ điều trị. Bởi ở bệnh nhân xương khớp thì gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Trong khi đó, xoa bóp có thể cải thiện các tình trạng trên. Nó làm giãn những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó, tăng tính đàn hồi của cơ và tăng khả năng làm việc, sức bền cơ. Ở người khỏe mạnh, xoa bóp thường xuyên còn làm tăng tính linh hoạt của khớp, cải thiện tư thế và giảm khả năng bị chấn thương.
Đối với hệ thần kinh: Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da, tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh để góp phần điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương. Qua đó, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung.
Đối với hệ tuần hoàn: Xoa bóp cũng có nhiều tác dụng lên hệ tuần hoàn bởi khả năng làm giãn mạch, giảm trở lực trong lòng mạch. Đồng thời, xoa bóp hỗ trợ đẩy máu về tim nên vừa giảm gánh nặng cho tim vừa giúp cho máu trở về tim tốt hơn.
Các tác dụng khác: Xoa bóp cũng là giải pháp hiệu quả để kích thích hệ thống lympho, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa. Điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường hệ miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Trường hợp nào nên và không nên thực hiện xoa bóp?
Xoa bóp có thể áp dụng cho nhiều trường hợp bệnh lý, nhưng không phải tất cả mọi người đều dùng được phương pháp này. Theo đó, người bệnh cần chú ý tới những trường hợp như sau:
Các trường hợp nên thực hiện xoa bóp:
- Giảm đau: Những người có biểu hiện đau vai gáy, đau đầu, đau lưng mãn tính, đau cơ, viêm đau dây thần kinh bởi thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng hoặc đau ở quanh khớp vai.
- Những người bị co cứng cơ: Liệt cứng, co cứng do kích thích rễ và dây thần kinh; Kích kích phục hồi sự truyền dẫn thần kinh trong dây thần kinh ngoại vi tổn thương hoặc ở những đám rối dây thần kinh trục trặc bởi các lý do khác; Tăng cường tuần hoàn cũng như dinh dưỡng cho da, cơ thần kinh trong các bệnh bại liệt, teo cơ; Giúp thư giãn và chống mệt mỏi căng thẳng hệ thần kinh, giảm stress; Phục hồi cho cơ bắp sau khi lao động nặng hoặc thực hiện luyện tập thể thao.
Các trường hợp không nên thực hiện xoa bóp:
- Người bị gãy xương, chấn thương dập cơ hay dây chằng khớp. Những người bị bệnh tim phổi nặng như: Chứng suy tim, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp hay các cơn hen ác tính.
- Những vùng da bị lở loét hay mụn nhọt, khi xoa bóp sẽ gây ra nhiễm khuẩn làm tình trạng trở nặng hơn. Một số cơ quan bị tổn thương thực thể về ngoại khoa có thể kể đến như: Thủng dạ dày, viêm ruột thừa hoặc bệnh truyền nhiễm cũng không áp dụng xoa bóp.
Các lưu ý quan trọng khi thực hiện phương pháp xoa bóp chữa bệnh
Trong quá trình thực hiện xoa bóp, chúng ta cần chú ý tới một số điều quan trọng dưới đây:
- Không thực hiện xoa bóp quá mạnh tay: Đặc biệt khi bạn thực hiện các liệu pháp xoa bóp tại vùng da mặt. Tránh xoa bóp mạnh làm da không thể hấp thu các dinh dưỡng, cơ bị chảy xệ và xuất hiện nhiều nếp nhăn.
- Sau khi xoa bóp nhiều người thường sẽ muốn ngủ một giấc thật sâu bởi lúc này cơ thể cảm giác thư giãn nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên lời khuyên hữu ích dành cho bạn đó chính là hãy tập luyện thể dục với mức độ nhẹ nhàng.
- Khi xoa bóp nếu không có tinh dầu, mỹ phẩm hay kem xoa bóp đi kèm sẽ làm cho làn da bị khô và xuất hiện các nếp nhăn. Thậm chí là da bị trầy xước nhẹ.
- Xoa bóp không đúng huyệt đạo, không rõ các vị trí và mối liên kết giữa các huyệt sẽ không đạt được hiệu quả. Ngược lại còn gây ra tình trạng bị đau nhức cơ hoặc những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
- Trong trường hợp chúng ta dùng đá nóng để xoa bóp, cần kiểm tra nhiệt độ đá để không gây ra tình trạng bỏng da.
Tuy nhiên, dù xoa bóp có nhiều ưu thế trong việc phòng trị bệnh, nhưng người thực hiện buộc phải được đào tạo bài bản, đúng chỉ định. Tuyệt đối không lạm dụng xoa bóp, không giao cơ thể vào những người không có chuyên môn vì có thể gây ra các biến chứng như co giật, chấn thương hoặc liệt nếu xoa bóp không đúng phương pháp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!