Viêm Phế Quản Trẻ Em Là Gì? Triệu Chứng, Cách Điều Trị An Toàn

Viêm phế quản trẻ em dễ gặp ở trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi dấu hiệu ho đờm, khó thở, có xu hướng tiến triển nhanh và dễ dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời. Cha mẹ có thể tìm hiểu nguyên nhân, nhận biết triệu chứng và điều trị hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ trong bài viết dưới đây.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ em là gì? Đối tượng thường mắc

Viêm phế quản là một tình trạng nhiễm trùng đường thở phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường phổ biến và nguy hiểm hơn ở các bé dưới 1 tuổi. Bệnh xảy ra khi các đường dẫn khí lớn vào phổi bị viêm, chứa đầy dịch, gây bít tắc, khiến trẻ ho nhiều, khó thở.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể là viêm cấp tính hoặc mãn tính. Viêm cấp tính thường diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 10 – 15 ngày. Viêm phế quản mãn tính thường kéo dài lâu hơn, có thể từ vài tháng đến nhiều năm.

Viêm phế quản ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh và dễ gây biến chứng
Viêm phế quản ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh và dễ gây biến chứng

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non có nguy cơ cao bị viêm phế quản. Trong khi đó, trẻ lớn hơn 2 tuổi thường mắc viêm tiểu phế quản. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm có thể lan từ cuống phổi (phế quản) xuống nhu mô phổi, gây tình trạng viêm phổi.

Mặc dù viêm phế quản có thể gặp ở mọi đứa trẻ ở bất kỳ các lứa tuổi, nhưng những trẻ dưới đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường:

  • Trẻ dưới 1 tuổi
  • Trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như ho gà,cúm, sởi,…
  • Trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng có nguy cơ bị viêm phế quản cao hơn
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng có nguy cơ bị viêm phế quản cao hơn
  • Trẻ có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh đường hô hấp như hen suyễn hoặc bệnh gây suy giảm miễn dịch
  • Trẻ béo phì
  • Trẻ có cơ địa dị ứng đường hô hấp với các tác nhân như phấn hoa, bụi nhà, lông súc vật
  • Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Môi trường sống ô nhiễm, độ ẩm cao hoặc có nấm mốc…

Nguyên nhân gây bệnh do đâu?

Các tác nhân gây bệnh viêm phế quản trẻ có thể gặp gồm:

  • Virus: Là nguyên nhân phổ biến gây bệnh ở giai đoạn đầu. Phổ biến nhất là virus cúm (influenza), sau đó là Adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp)…
  • Vi khuẩn: Trẻ có thể nhiễm vi khuẩn trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc bội nhiễm ở giai đoạn 2, sau khi đã nhiễm virus trước đó. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae type b, tụ cầu khuẩn, liên cầu… Những vi khuẩn này có mặt thường trực ở mũi – họng. Khi sức đề kháng của cơ thể trẻ bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, sinh sản, tăng độc tính và gây bệnh. 
  • Thời tiết, môi trường: Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, môi trường ô nhiễm và khói thuốc lá cũng có thể trở thành tác nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ.

Các biểu hiện viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cũng giống như các tình trạng bệnh viêm phế quản ở đối tượng khác, với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bệnh cũng sẽ có những triệu chứng tương tự.Tuy vào mức độ phát triển của bệnh, tình trạng viêm nhiễm và sức đề kháng của trẻ, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chia thành 2 gia đoạn pháp triển với các triệu chứng điển hình như:

Giai đoạn 1: Giai đoạn khởi phát

Tác nhân chính ở giai đoạn này là virus. Do vậy trẻ thường có các dấu hiệu tương tự như bệnh viêm đường hô hấp trên. Các biểu hiện có thể nhận biết sớm gồm:

  • Mệt mỏi, kém chơi, biếng ăn, quấy khóc
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi
  • Hắt hơi
  • Ho khan hoặc có đờm
  • Khó thở nhẹ
  • Sốt nhẹ, sốt từng cơn và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Rối loạn tiêu hóa: nôn trớ và tiêu chảy

Các triệu chứng ở giai đoạn đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm long đường hô hấp trên, cúm, cảm lạnh hay viêm xoang. Cha mẹ thường rất khó nhận biết bệnh viêm phế quản ở giai đoạn này và dễ nhầm lẫn trong điều trị.

Giai đoạn 2: Giai đoạn toàn phát

Các triệu chứng ở giai đoạn này thường xuất hiện ở ngày thứ 3 sau khi khởi phát, rầm rộ và rõ ràng hơn giai đoạn đầu. Do virus lan tới cuống phổi (bộ phận nối họng và 2 lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng đỏ, tiết đầy dịch nhầy trong phổi, kích thích trẻ khó thở và ho nhiều.

Các biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn này gồm:

  • Ho kéo dài trong vòng từ 2 – 3 tuần
  • Sốt cao 38 – 40 độ C
  • Thở khò khè, có thể khó thở
  • Cảm giác đau rát cổ họng
  • Xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh
  • Đau ngực,  mệt mỏi,chán ăn hoặc nôn ói
  • Sưng hạch bạch huyết, có thể phát ban, đỏ mắt
Viêm phế quản có thể khiến trẻ sốt từ nhẹ đến nặng tùy theo thể trạng và giai đoạn bệnh
Viêm phế quản có thể khiến trẻ sốt từ nhẹ đến nặng tùy theo thể trạng và giai đoạn bệnh

Các triệu chứng viêm phế quản thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng bệnh thường diễn ra nhanh và dễ gây biến chứng hơn. Phản xạ ho của trẻ chưa tốt. Dấu hiệu màu sắc đờm thường không rõ ràng do trẻ có xu hướng nuốt đờm vào trong. Do vậy, cha mẹ cần quan sát kỹ và đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay khi có một trong các triệu chứng dưới đây:

  • Khó thở, tím tái: Thở rít, da môi, đầu chi, lưỡi tím tái
  • Thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực: Cha mẹ có thể đánh giá mức độ khó thở của trẻ bằng cách đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ trong vòng 1 phút (đếm 2-3 lần). Nhịp thở từ 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với trẻ trên 2 tháng và trên 40 lần/phút với trẻ trên 1 tuổi được đánh thở nhanh
  • Sốt cao: Trẻ sốt ≥ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, li bì khó đánh thức hoặc co giật.
  • Ho, li bì, bỏ bú: Ho gây đỏ bừng mặt, kéo dài không ngừng
  • Dấu hiệu sùi bọt cua ở trẻ sơ sinh

Viêm phế quản ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị bao lâu thì khỏi?

Viêm phế quản là tình trạng viêm đường thở dưới, xảy ra ở phế quản, chưa tấn công vào nhu mô phổi. Do vậy, bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi nếu trẻ được chăm sóc và điều trị tích cực sớm. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần.

Tuy nhiên, trong trường hợp viêm phế quản nặng hoặc trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng cách, ổ nhiễm khuẩn có thể lan xuống phổi và gây nên các biến chứng nguy hiểm. 2 biến chứng nguy hiểm nhất của viêm phế quản trẻ có thể gặp là:

  • Hen phế quản: Trẻ em dễ gặp phải biến chứng viêm phế quản bít tắc. Đây có thể là khởi đầu của bệnh hen phế quản (hen suyễn).
  • Viêm phổi: Đây là một bệnh lý hô hấp có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ nhỏ. Nguy cơ tư vong đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
  • Suy hô hấp: Suy hô hấp cấp nếu không được cấp cứu, can thiệp kịp thời có thể gây tử vong.
Viêm phế quản ở trẻ rất dễ dẫn tới viêm phổi và suy hô hấp nếu cha mẹ lơ là trong điều trị
Viêm phế quản ở trẻ rất dễ dẫn tới viêm phổi và suy hô hấp nếu cha mẹ lơ là trong điều trị

Viêm phế quản ở trẻ em có xu hướng diễn biến nhanh và dễ gây ra biến chứng hơn so với người lớn. Do vậy, cha mẹ cần sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường và xử lý kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Điều trị viêm phế quản ở trẻ em như thế nào hiệu quả?

Điều trị viêm phế quản ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và độ tuổi của trẻ. Nguyên tắc của việc điều trị là làm sạch đường thở, cải thiện triệu chứng, giúp trẻ dễ thở hơn. Nếu viêm phế quản do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê kháng sinh điều trị. Các phương pháp điều trị gồm:

Điều trị không dùng thuốc

Cha mẹ cần thực hiện những biện pháp chăm sóc dưới đây ngay khi trẻ bắt đầu có các triệu chứng bất thường:

  • Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ ngực và lòng bàn chân
  • Cho trẻ uống nhiều nước ấm
  • Chườm ấm đúng cách để hạ sốt nếu nhiệt độ của trẻ dưới 38,5 độ C
  • Điều chỉnh độ ẩm trong phòng ngủ cho trẻ bằng máy tạo độ ẩm hoặc xông hơi để trẻ dễ thở hơn
  • Nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý cho trẻ rối lấy khăn lau
  • Kê đầu trẻ cao hơn thân khi nằm chơi hoặc khi ngủ để giúp bé dễ thở hơn
  • Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho trẻ uống 1 ít mật ong mỗi ngày (uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm) để giảm ho và làm dịu cổ họng. Trẻ dưới 1 tuổi không dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc.

Trẻ bị viêm phế quản uống thuốc gì?

Với những trường hợp trẻ có dấu hiệu ho nhiều, sốt cao, khó thở, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc điều trị như:

  • Thuốc hạ sốt: Thường dùng paracetamol với liều 10 -15mg/kg cân nặng. Trẻ lớn có thể dùng Ibuprofen. Tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Thuốc giãn phế quản: Thường dùng Theophyllin hoặc Salbutamol dạng khí dung hoặc phun hít trong các trường hợp phế quản co thắt hoặc bít tắc.
  • Thuốc giảm ho: Các bác sĩ không khuyến cáo dùng thuốc trị ho cho trẻ, đặc biệt là các thuốc ức chế trung tâm ho như Terpin codein. Trường hợp trẻ ho nhiều, không ngừng, đỏ bừng mặt, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc ho dạng thảo dược hoặc dextromethorphan dạng siro.
  • Thuốc long đờm: Acetylcystein, methylcysteine, carbocystein, bromhexin, ambroxol, eprazinon… Thường dùng khi trẻ ho quá nhiều đờm, đờm đặc không khạc ra được. Nhóm thuốc này không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Các bác sĩ khuyến cáo mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước thay vì thuốc long đờm vì bản thân nước có thể làm loãng đờm rất tốt.
Thuốc tân dược được sử dụng phổ biến trong điều trị do tiện lợi và hiệu quả nhanh
Thuốc tân dược được sử dụng phổ biến trong điều trị do tiện lợi và hiệu quả nhanh
  • Thuốc chống dị ứng:  Alimemazin, diphenhydramin, clorpheniramin… Các thuốc này có tác dụng giảm kích ứng họng và giảm ho, đặc biệt ho vào ban đêm và ho do dị ứng. Thuốc có thể gây khô miệng, chán ăn, táo bón ở trẻ.
  • Thuốc co mạch, chống sung huyết mũi, nghẹt mũi: Thuốc sử dụng chủ yếu là Pseudoephedrine…
  • Thuốc kháng sinh: Thường dùng kháng sinh nhóm Beta Lactam, Cephalosporin hoặc các Macrolid tùy theo độ tuổi và chủng vi khuẩn trẻ gặp phải.
  • Thuốc kháng virus: Không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi, trừ trường hợp cần thiết.

Trẻ nhỏ thường nhạy cảm với thuốc Tây, do vậy bé có nguy cơ quá liều hoặc dị ứng thuốc cao hơn người lớn. Thường xuyên sử dụng thuốc tây hoặc sử dụng không đúng liều lượng, không đúng bệnh có thể khiến trẻ gặp một số biến chứng như: Dị ứng thuốc, ban đỏ, mề đay, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn… Nặng hơn có thể gây suy gan, suy thận cấp, rối loạn nhịp tim, chậm phát triển xương và trí tuệ… Cha mẹ cần tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ. 

Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản như thế nào?

Thông thường, nếu viêm phế quản được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị tích cực thì sau vài ngày, các triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản:

  • Không nên ép trẻ ăn
  • Chế biến thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu
  • Chia nhỏ các bữa ăn, số lượng mỗi bữa ít nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng
  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Khi trẻ sốt nhẹ, nên cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi
  • Bổ sung oresol và điện giải nếu trẻ bị mất nước do sốt cao, tiêu chảy…
  • Nên cho trẻ bú mẹ nhiều, chia nhỏ các cữ bú để tránh nôn trớ
  • Ưu tiên bồi dưỡng dinh dưỡng cho trẻ
Dinh dưỡng là vẫn đề mẹ nên quan tâm khi điều trị và phòng bệnh viêm phế quản cho trẻ
Dinh dưỡng là vẫn đề mẹ nên quan tâm khi điều trị và phòng bệnh viêm phế quản cho trẻ

Trẻ bị viêm phế quản nên ăn gì?

  • Tăng cường các thực phẩm nhiều rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin và khoáng chất
  • Bổ sung tôm, cá, cua (thận trọng với trẻ dễ dị ứng hải sản)
  • Bổ sung kẽm, Omega 3 có trong các loại cá béo như cá hồi, cá sa..

Các thực phẩm nên tránh:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện, muối, dầu mỡ
  • Nước ngọt có gas
  • Thức ăn nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa như tinh bột nguyên hạt…

Các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em

Để phòng ngừa viêm phế quản tái phát, mẹ cần chú ý một số biện pháp phòng ngừa sau:

  • Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt trong mùa mưa, mùa lạnh
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, quét dọn thường xuyên, lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm, rèm cửa thường xuyên…
  • Tránh xa các tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông động vật, mạt gà, bụi bẩn, hóa chất, nấm mốc…
  • Hạn chế hoặc có biện pháp bảo hộ khi trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá….
  • Cách ly trẻ với các người đang mắc bệnh đường hô hấp
  • Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, tiêm ngừa cúm hằng năm 
  • Khuyến khích trẻ vận động, tăng cường sức đề kháng

Viêm phế quản trẻ em là bệnh lý hô hấp khá phổ biến và không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị tích cực từ sớm. Cha mẹ cần chủ động tìm hiểu thông tin, theo dõi sức khỏe của trẻ và biết cách xử lý khi trẻ mắc bệnh. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc không đáp ứng với thuốc sau 2 – 3 ngày điều trị, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

THÔNG TIN HỮU ÍCH:

5/5 - (1 bình chọn)

Tin mới

Bài Thuốc Thảo Dược Điều Trị Mất Ngủ Đỗ Minh Đường – Bí Quyết Ngủ Ngon Cho Người Mất Ngủ Kinh Niên

Nổi Mề Đay Ở Cổ: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Bệnh Hiệu Qủa

Tổng hợp các loại thuốc trị chàm khô nhanh khỏi nhất hiện nay

Top 13+ cách chữa đau dạ dày khẩn cấp hiệu quả tức thì

Các Loại Thuốc Chống Xuất Tinh Sớm Hiệu Quả Tốt Nhất

Top 11 Thuốc Trị Rối Loạn Cương Dương Hiệu Quả Nhất

Dấu hiệu nổi mẩn ngứa ở chân, tay: Cách phòng ngừa và điều trị

Mẩn Ngứa Ở Trẻ Do Đâu? Cách Điều Trị Sớm An Toàn, Hết Ngứa

Nổi Mẩn Ngứa Sau Khi Tắm Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ ngứa ở chân và hướng điều trị

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?