Viêm Mũi Dị Ứng Bội Nhiễm – Triệu Chứng, Cách Điều Trị

Cập nhật: 29/03/2024

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm thường xảy ra khi tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài, không được điều trị dẫn tới bội nhiễm vi khuẩn, virus. Người bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm còn có thể gặp phải biến chứng viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây giúp người bệnh hiểu rõ hơn về cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là một tình trạng tiến triển nặng hơn của bệnh viêm mũi dị ứng sau một thời gian dài không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Đây là hiện tượng viêm nhiễm nặng nề do vi khuẩn, virus trên nền bệnh viêm mũi dị ứng.

Người bệnh bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm có thể thấy ngạt mũi một hoặc cả 2 bên cánh mũi, nước mũi chảy nhiều, hắt hơi thành tràng, khó kiểm soát. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ở một thời điểm nhất định trọng mùa hoặc quanh năm.

viem-mui-di-ung-boi-nhiem-la-gi
Tìm hiểu viêm mũi dị ứng bội nhiễm là gì

Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và phương pháp điều trị của người bệnh. Với những trường hợp chủ quan không điều trị hoặc chữa trị không đúng cách, bệnh có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng.

Một số biến chứng của bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm:

  • Viêm xoang: Cấu trúc mũi và xoang có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm, dịch mủ viêm có thể chảy từ mũi sang các hốc xoang và gây viêm. Tình trạng này có thể khiến người bệnh ngạt mũi, đau nhức đầu, nhức mắt, chảy nước mắt…
  • Viêm họng: Dịch tiết mũi trong bệnh viêm mũi bội nhiễm có thể chảy ra ngoài hoặc chảy xuống cổ họng. Trong trường hợp này, chúng có thể gây kích ứng cổ họng, gây ho, viêm, đau, rát, nóng, đỏ niêm mạc họng.
  • Viêm thanh quản: Do bệnh nhân tịt mũi, khó thở bằng mũi và thường xuyên phải thở bằng miệng.
  • Hen suyễn: Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng bội nhiễm có thể làm bùng phát bệnh hen suyễn, đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng.
  • Viêm tai giữa: Do dịch mũi viêm dẫn lưu từ xoang mũi tới vòi nhĩ gây viêm.

Viêm mũi dị ứng càng kéo dài thì nguy cơ biến chứng càng cao. Các biến chứng viêm mũi dị ứng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Do vậy, ngay khi thấy những bất thường trong sức khỏe, người bệnh nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm có nhiều triệu chứng điển hình của một bệnh viêm mũi dị ứng thông thường nhưng với mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể nhận biết bệnh thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Hắt hơi: Bệnh nhân bắt đầu thấy nhột và kích ứng trong mũi, sau đó hắt hơi. Người bệnh thường hắt hơi vài chục cái, thành tràng dài, khó kiểm soát. Hắt hơi gây co thắt cơ hoành khiến người bệnh đau tức ngực, mệt mỏi, kèm theo cay mắt, chảy nước mắt, nước mũi.
  • Sổ mũi: Ban đầu, dịch nước mũi trong, không mùi, chảy nhiều và không kiểm soát được. Nước mũi có thể chảy ra ngoài hoặc chảy xuống họng, gây tình trạng kích ứng niêm mạc họng, ho, viêm họng. Sau 1 thời gian, nước mũi trở nên đặc, có màu vàng hoặc xanh, mùi hôi khó chịu.
  • Nghẹt mũi: Người bệnh có thể bị nghẹt luân phiên mũi từng bên hoặc nghẹt cả 2 bên cánh mũi. Tình trạng này có thể tăng lên vào mùa lạnh hoặc khi người bệnh ngồi phòng điều hòa.
  • Ngứa mũi: Cảm giác kích ứng niêm mạc mũi gây ngứa khiến người bệnh liên tục phải đưa tay dụi mũi.
  • Kích ứng mắt: Ngứa mắt, chảy nước mắt, phù mí mắt, quầng thâm quanh mắt.
  • Triệu chứng khác: Sốt, viêm tai giữa, ho, ngứa họng, đau đầu, khàn tiếng do phù nề thanh quản.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, virus khi tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài. Nguyên nhân chính gây bội nhiễm là vi khuẩn, virus. Còn nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có thể đến từ các tác nhân sau:

  • Dị nguyên: Phấn hoa, lông động vật, mạt gà, mò, hơi hóa chất, nấm mốc, bụi bặm, thuốc lá…
  • Thời tiết thay đổi đột ngột: Thường vào thời điểm chuyển mùa từ lạnh sang nóng.
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường nhiều bụi bẩn, rác thải, hóa chất độc hại… dễ khiến mũi dị ứng và gây viêm.
  • Bất thường cấu trúc mũi: Dị tật vách ngăn, vẹo vách ngăn… làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Cơ địa dị ứng: Người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da dị ứng… có tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn.
  • Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch, sức đề kháng suy giảm do bệnh tật, dùng thuốc… sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác hoạt động.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Nguyên tắc quan trọng đầu tiên khi điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm là cách ly dị nguyên, tác nhân gây dị ứng. Sau đó, người bệnh cần xác định nguyên nhân, yếu tố gây bội nhiễm và điều trị theo đúng phác đồ. Cần lưu ý, người bệnh chỉ nên sử dụng kháng sinh khi nguyên nhân gây bội nhiễm là do vi khuẩn.

Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm đang được sử dụng phổ biến hiện nay là dùng thuốc Tây, thuốc Đông y và mẹo dân gian.

Chữa viêm mũi xoang dị ứng bội nhiễm bằng thuốc Tây

Hiện nay, phương pháp điều trị viêm mũi xoang dị ứng bội nhiễm bằng thuốc tây chủ yếu là dùng thuốc để tiêu viêm, diệt khuẩn, cải thiện tình trạng dị ứng, chảy nước mũi. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị gồm:

  • Kháng sinh: Thường dùng Amoxicillin, Erythromycin, Azithromycin, Cefixim…
  • Kháng Histamin: Loratadine, Desloratadine, Cetirizine…
  • Co mạch, chống phù nề: Xylometazolin, Naphazolin…
  • Thuốc giảm ho – long đờm: Terpin – codein, Dextromethorphan…
  • Thuốc chống viêm: Prednisolon, Methylprednisolon….

Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần tuân thủ các hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Một số loại thuốc nhỏ mũi dùng tại chỗ chỉ dùng trong thời gian ngắn, trong các đợt cấp của bệnh. Nếu lạm dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng có thể gây ra các phản ứng ngược, phụ thuộc thuốc gây hại cho cơ thể.

Một số mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Các mẹo dân gian tại nhà được sử dụng kết hợp trong những trường hợp viêm mũi dị ứng bội nhiễm ở mức độ nhẹ, mới mắc. Người bệnh có thể áp dụng kết hợp với các bài thuốc đông y hoặc tây y theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị.

Một số bài thuốc có thể áp dụng:

  • Nhỏ nước ép tỏi: Lấy 1 vài tép tỏi, xay/ép lấy nước cốt rồi trộn nước cốt tỏi này với một ít dầu vừng theo tỷ lệ 1:1. Dùng tăm bông thấm hỗn hợp này đưa vào mũi để vệ sinh và diệt khuẩn hiệu quả. Người bệnh có thể thay thế bằng mật ong nếu không có dầu vừng.
  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý: Trẻ lớn và người trưởng thành có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Trẻ sơ sinh có thể nhỏ mũi để sát khuẩn và làm thông thoáng đường thở. Phương pháp này an toàn cho cả phụ nữ có thai.
  • Xông hơi: Tinh dầu của một số thảo dược như lá bạc hà, hoa ngũ sắc, lá trầu không, tinh dầu tràm, bạch đàn… có thể kháng khuẩn, tiêu viêm và cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng bội nhiễm hiệu quả.

Các phương pháp chữa viêm mũi dị ứng bội nhiễm bằng mẹo dân gian có tác dụng cải thiện triệu chứng tức thời ngay tại thời điểm sử dụng, không kéo dài tác hiệu quả, không có tác dụng điều trị căn nguyên gây bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc với mục đích hỗ trợ điều trị trong một số trường hợp bệnh nhẹ. Không nên lạm dụng cách chữa này, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nặng.

Đông y chữa viêm mũi dị ứng bội nhiễm hiệu quả triệt để

Các bài thuốc đông y có ưu điểm được bào chế từ thảo dược tự nhiên, an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ cho bệnh nhân. Công dụng chính của những bài thuốc này là khu phong, tán hàn, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, giảm ngứa và nâng cao sức đề kháng. Khi sử dụng cách chữa này, người bệnh cần kiên trì vì hiệu quả của thuốc đông y khá chậm, thường tác động từ trong ra ngoài. Ngoài ra, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn đến từ chất lượng dược liệu, người bệnh nên tìm đến các cơ sở khám chữa và bốc thuốc uy tín.

Một số các bài thuốc đông y chữa viêm mũi dị ứng được các chuyên gia YHCT đánh giá cao phải kể đến:

Bài thuốc Bổ ký cổ biểu

Thành phần: Hoàng kỳ 16g, xuyên khung 16g, bạch thược, bạch chỉ, bạch truật mỗi loại 12g, bán hạ 8g, khương hoạt 8g, ma hoàng, phòng phong mỗi loại 6g, quế chi 8g, cam thảo 4g.

Cách dùng: Sắc theo thang, mỗi ngày dùng 2 lần để bồi bổ khí huyết, trừ hàn, tiêu viêm, hạn chế chảy nước mũi.

Bài thuốc Ôn dương ích khí thang

Thành phần: Chích ma hoàng, quế chi, tiên mao, phụ tử chế, can khương, ô mai, ngũ vị tử mỗi loại 10g, cam thảo 3g, tế tân 3g, chích kỳ 15g.

Cách dùng: Sắc thuốc theo thang, ngày uống 3 lần, sau bữa ăn. Uống liên tục trong vòng 2 tuần sẽ loại bỏ được các triệu chứng bệnh.

Phòng bệnh như thế nào hiệu quả?

Song song với việc điều trị bệnh hiệu quả bằng các phương pháp khác nhau, người bệnh cũng cần lưu ý:

  • Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng đã biết
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và các vật dụng xung quanh như chăn, ga, rèm, màn… để hạn chế sự ứ đọng vi khuẩn, nấm mốc.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đến những nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người đang có các bệnh đường hô hấp.
  • Chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng và thường xuyên súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
  • Tăng cường sức đề kháng, hạn chế căng thẳng bằng cách xây dựng thực đơn dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý.
  • Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi
  • Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế tình trạng vi khuẩn xâm nhập từ tay qua mũi.
  • Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài vào thời điểm chuyển mùa.
  • Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Đây là một tình trạng viêm nhiễm nặng, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, người bệnh cần nắm vững các kiến thức quan trọng về cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC