Viêm da virus là gì? Các dạng bệnh thường gặp & Phương pháp điều trị

Viêm da virus là những dạng tổn thương bên ngoài da gây ra bởi tác nhân virus. Có thể kể đến một số dạng bệnh phổ biến như Herpes, zona, sởi, thủy đậu… Phần lớn triệu chứng của các dạng viêm da này rất dễ nhầm lẫn, gây khó khăn khi điều trị. Bài viết dưới đây có thể giúp bạn phân biệt và xử lý hiệu quả khi bị viêm da virus.

Viêm da virus là bệnh gì?

Viêm da là thuật ngữ chung để chỉ các loại tổn thương bên ngoài da, đặc trưng bởi các dấu hiệu khô, ngứa, sưng, nóng, phát ban, mụn nước và tróc vảy. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, người ta có thể chia viêm da thành các dạng:

  • Viêm da do vi khuẩn: Gồm 2 nhóm bệnh do tụ cầu khuẩn và do liên cầu khuẩn
  • Viêm da do virus: Viêm da Herpes, Eczema herpeticum (chàm Herpes) thủy đậu, chân tay miệng, sởi, sởi, hạt cơm, zona, sùi mào gà…
  • Viêm da cơ địa
  • Viêm da dị ứng
  • Viêm da do chất tiết côn trùng (côn trùng đốt)
  • Và một số dạng viêm da khác

Trong đó, viêm da virus là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là tại đất nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Nguyên nhân gây nên tình trạng tổn thương này là do virus gây ra, phổ biến là HHV, HSV, HPV, CMV, EBV, parvovirus B19 và các virus gây bệnh sởi, chân tay miệng.

Viêm da virus đặc trưng bởi các mụn nước, mụn rộp, gây ngứa, đau hoặc không
Viêm da virus đặc trưng bởi các mụn nước, mụn rộp, gây ngứa, đau hoặc không

Khi đối mặt với các bệnh viêm da này, người bệnh và bác sĩ cần phân biệt viêm da do virus với các bệnh viêm da do bệnh lý nghề nghiệp, do tiếp xúc hóa chất, do dị ứng, nhiễm độc, thuốc hoặc thức ăn….

Viêm da virus có lây không? Có nguy hiểm không?

Viêm da virus có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, dịch mủ của người bệnh. Hầu hết các trường viêm da virus đều gây ra các tổn thương bên ngoài như mụn nước, mụn rộp, lở loét, ngứa ngáy… Chất tiết của các mụn nước, mụn mủ này cũng có thể là nguyên nhân làm lây nhiễm các bệnh viêm da do virus.

Tác nhân gây bệnh là virus có thể lây lan thông qua dịch mụn hoặc chất tiết của người bệnh
Tác nhân gây bệnh là virus có thể lây lan thông qua dịch mụn hoặc chất tiết của người bệnh

Phần lớn các tổn thương do viêm da virus gây ra thường chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chỉ một số trường hợp không được chăm sóc và điều trị đúng cách, các bệnh viêm da virus có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, để lại các di chứng nghiêm trọng suốt đời như:

  • Viêm loét giác mạc, giảm thị lực
  • Viêm tai giữa, giảm thính lực
  • Suy dinh dưỡng
  • Viêm teo tinh hoàn, suy buồng trứng, vô sinh
  • Viêm não, phù phổi
  • Nhiễm trùng huyết
  • Tử vong

Để hạn chế những biến chứng này, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế được thăm khám và điều trị khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh.

Các dạng viêm da virus thường gặp và cách điều trị

Viêm da virus có rất nhiều loại. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng và thể trạng mỗi người mà việc điều trị sẽ khác nhau. Một số loại viêm da virus phổ biến:

1.  Bệnh da do virus Herpes Simplex 

Viêm da virus Herpes là nhóm bệnh do virus Herpes Simplex gây ra, bao gồm 2 loại:

  • Bệnh do Herpes simplex 1 (HSV 1) gây ra mụn rộp ở môi
  • Bệnh do Herpes simplex 2 (HSV 2) gây ra mụn rộp ở bộ phận sinh dục

Theo thống kê có tới 80% dân số Việt Nam nhiễm phải loại virus này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 25% trong số đó phát triển thành bệnh viêm da virus Herpes.

Triệu chứng điển hình của bệnh:

  • Xuất hiện các mụn nước nhỏ, có kích thước đồng đều 2-4mm, mọc thành cụm hoặc đám, gây đau và ngứa dữ dội
  • Mụn nước có màu đỏ, hồng, đôi khi là tím hoặc đen, chứa dịch trong. 
  • Khi vỡ, các mụn nước này tạo thành các vết trợt nông trên da và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn hình thành vảy tiết dày. 
  • Người bệnh thường cảm giác đau rát tại tổn thương, đặc biệt là khi mụn nước bị vỡ.
  • Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, sưng đau hạch vùng,..

Phương pháp điều trị:

  • Dùng thuốc kháng virus Acyclovir 200mg đường uống và bôi dùng trong 7-10 ngày. Thời gian sử dụng tốt nhất là trong 72 giờ đầu kể từ lúc xuất hiện tổn thương trên da.
  • Dùng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm thêm vi khuẩn.
  • Có thể sử dụng dung dịch hồ nước để làm dịu cảm giác khô rát trên da
  • Trường hợp nặng, có thể sử dụng dung dịch Povidone để sát khuẩn vùng da có mụn nước bị vỡ, bôi kem chứa Corticoid khi bị viêm nhiễm nặng.

2. Bệnh viêm da virus ở trẻ em – Thủy đậu

Thủy đậu hay còn gọi là trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh thủy đậu là virus Varicella zoster (VZV), thuộc họ Herpesviridae. Trẻ bị viêm da do virus này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. 

Triệu chứng bệnh thủy đậu:

  • Xuất hiện các bọng nước hình tròn, đường kính 1-3mm rải rác toàn thân, gây ngứa, rát, rất khó chịu. 
  • Ở giai đoạn đầu, các bọng nước chứa dịch trong. Sau đó, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ,  có chấm đen ở giữa. 
  • Các mụn nước này rất dễ vỡ, gây bội nhiễm vi khuẩn khiến trẻ sốt cao, bứt rứt, khó chịu.
  • Sau khoảng 7-10 ngày, các mụn nước sẽ khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại.
Trẻ bị viêm da virus thủy đậu có thể để lại sẹo, di chứng nếu không được điều trị đúng cách
Trẻ bị viêm da virus thủy đậu có thể để lại sẹo, di chứng nếu không được điều trị đúng cách

Phương pháp điều trị:

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho bệnh thủy đậu. Trẻ có thể phòng ngừa bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin. Trong trường hợp mắc bệnh, nên thực hiện các phương pháp chăm sóc và điều trị hỗ trợ để phòng ngừa biến chứng:

  • Dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước để chống viêm, sát khuẩn và ngăn ngừa sẹo.
  • Có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên khi mụn nước bị vỡ ra. Tuyệt đối không dùng thuốc mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ bôi lên vị trí da có mụn nước.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước muối ấm pha loãng, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi và hạn chế ra ngoài
  • Thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn: Mụn nước kích thước lớn, màu đục, sốt cao.

3. Bệnh Zona thần kinh

Zona thần kinh còn được gọi tắt là bệnh zona, là một dạng viêm da do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Đây chính là chủng virus gây bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ nhỏ. Sau khi khỏi bệnh, một số virus VZV còn sót lại trong cơ thể khu trú tại các hạch thần kinh ở trạng thái tiềm tàng. Khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc gặp điều kiện thuận lợi khác, chúng nhân lên và lan truyền vào các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương da và niêm mạch. Chính vì vậy, zona được coi là một dạng viêm da virus có nguồn gốc ở dây thần kinh.

Triệu chứng:

  • Ban đầu, da xuất hiện các nốt ban đỏ kèm theo cảm giác đau rát, đau sâu ở một vùng cơ thể. Sau đó hình thành các mụn nước trong, nhỏ mọc rải rác hoặc thành đám, chùm, theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên.
  • Sau 1 – 2 ngày, mụn nước chuyển đục, hóa mủ rồi bắt đầu vỡ ra, hình thành các vảy dày, bong tróc để lại sẹo lấm tấm như hắc lào.
  • Vùng da bị tổn thương xuất hiện cảm giác ngứa, đau rát bỏng như kim chân, giật giật từng cơn.
  • Triệu chứng kèm theo: Nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, đi loạng choạng, ù tai, nghe kém, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi.
Bệnh zona thần kinh có thể khiến ngừa bệnh đau, ngứa dữ dội, khó chịu
Bệnh zona thần kinh có thể khiến ngừa bệnh đau, ngứa dữ dội, khó chịu

Phương pháp điều trị:

  • Sử dụng thuốc kháng virus Acyclovir 200mg dạng uống với liều thay đổi theo từng độ tuổi.
  • Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm phù nề… trong trường hợp có bội nhiễm.
  • Bổ sung vitamin B1, B6, B12 dạng uống liều cao hoặc tiêm hoặc các thuốc chống động kinh, co giật để điều trị các cơn đau do tổn thương thần kinh như pregabalin (Lyrica)
  • Dùng thuốc an thần, giảm đau mạnh trong trường hợp đau kéo dài kèm theo mất ngủ.
  • Thuốc điều trị tại chỗ: Acyclovir dạng bôi, hồ nước, thuốc kem mỡ chống viêm, chống tạo sẹo, chống bội nhiễm.

4. Bệnh chân tay miệng

Đây cũng là một dạng viêm da virus ở trẻ em khá phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa vào tháng 2-4 và tháng 9-12. Tác nhân gây bệnh chân tay miệng là virus họ Picornaviridae, một chủng virus đường ruột.

Triệu chứng bệnh:

  • Sốt là triệu chứng đầu tiên khi trẻ bị viêm da virus tay chân miệng. Bệnh nhân thường sốt nhẹ kèm theo đau họng, sổ mũi, người mệt mỏi.
  • Xuất hiện các nốt phỏng nước trên da bàn tay, bàn chân, niêm mạc bên trong má, lợi và mặt bên của lưỡi. Mụn nước có kích thước 2 – 10mm, màu xám, hình tròn hoặc bầu dục, mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
  • Các mụn nước ở bàn chân, bàn tay có thể tồn tại trong 7 – 10 ngày sau đó xẹp xuống và ít gây cảm giác đau rát.
  • Các mụn nước ở miệng thường dễ vỡ hơn, tạo thành các vết loét, viêm trợt da khiến bệnh nhân ăn uống khó khăn.
  • Trên mông của trẻ có thể xuất hiện các mụn lở, rộp da.
  • Triệu chứng khác: Chảy nhiều nước bọt, biếng ăn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tri giác, mê sảng, co giật…

Phương pháp điều trị

  • Thuốc hạ sốt: Dùng acetaminophen (paracetamol) khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên.
  • Bổ sung nước và điện giải bằng dung dịch oresol hoặc hydrat khác.
  • Bổ sung vitamin C, kẽm… khi trẻ có dấu hiệu sốt và loét miệng
  • Điều trị loét miệng họng: Bằng cách lau sạch miệng trước và sau ăn bằng dung dịch glycerin borat. Hoặc có thể dùng gel rơ miệng (kamistad; zytee…) để sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
  • Dùng thuốc chống co giật: Phenobarbital (điều trị tại bệnh viện)

5. Bệnh viêm da virus – Sởi

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cao, có tốc độ lây lan nhanh hơn cả cúm và lao. Virus sởi có thể đi từ dịch tiết của người bệnh, tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ để xâm nhập vào đường thở của người lành. 

Bệnh sởi ít gây tử vong trực tiếp nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và viêm não. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người lớn không có miễn dịch phòng bệnh. 

Sởi là bệnh lý có thể gặp ơ bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào trong năm
Sởi là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào trong năm

Triệu chứng:

  • Sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng
  • Xuất hiện các nốt nhỏ xíu có tâm màu xanh trắng bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này còn được gọi là đốm Koplik.
  • Dấu hiệu viêm da virus: Da nổi các đốm đỏ lớn, phẳng, mọc thành đám, cụm hoặc chập vào nhau thành mảng, đặc biệt là ở vùng sau tai và chân tóc. Những mảng viêm da virus này có thể lan xuống ngực, lưng, đùi, chân. Sau khoảng 1 tuần, các vết đỏ này nhạt dần và biến mất theo thời gian. 

Phương pháp điều trị bệnh sởi: 

  • Hạ sốt bằng cách chườm mát hoặc dùng thuốc hạ sốt Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C.
  • Thuốc giảm ho, long đờm theo hướng dẫn. Không tự ý dùng thuốc ho có chứa terpin codein cho trẻ nhỏ vì có thể gây ức chế trung tâm hô hấp
  • Thuốc kháng histamin: Dimedrol, Pipolphen.
  • Thuốc giảm đau, an thần trong trường hợp đau nhiều, mất ngủ
  • Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi: Chloromycetin, Argyrol…
  • Kháng sinh: Chỉ dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng hoặc khi có bội nhiễm.
  • Thuốc corticoid: Khi bệnh diễn tiến nặng đe dọa hoặc xuất hiện biến chứng viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính.
  • Cách ly và cho bệnh nhân uống nhiều nước, bổ sung các vitamin nhóm A, C, B

6. Bệnh hạt cơm (u nhú)

Là bệnh truyền nhiễm lành tính do sự gia tăng các lớp biểu bì da và niêm mạc hình thành các điểm dày sừng. Bệnh gây ra bởi virus Human Papilloma Virus – HPV có thể lây truyền từ người sang người thông qua đường sinh dục, mẹ sang con hoặc các vết trầy xước. Ngoài ra, bệnh có thể lây nhiễm qua đường gián tiếp thông qua sử dụng chung vật dụng cá nhân.

Virus Human Papilloma (HPV) là tác nhân gây các thể bệnh hạt cơm (u nhú) ở người
Virus Human Papilloma (HPV) là tác nhân gây các thể bệnh hạt cơm (u nhú) ở người

Triệu chứng bệnh:

Tùy thuộc vào chủng virus và vị trí tổn thương, các triệu chứng bệnh hạt cơm sẽ khác nhau: 

  • Hạt cơm thông thường: Do HPV typ 2,4,27 và 29 gây nên. Tổn thương da hay gặp ở mu bàn chân, bàn tay, ngón chân, tay dạng sẩn hơi hồng hoặc đỏ, bề mặt sần sùi, thô ráp, cứng, chắc, lồi lên trên bề mặt da. Tổn thương không gây đau trừ khi ấn mạnh vào hạt cơm.
  • Hạt cơm lòng bàn chân: Chủ yếu do HPV typ 1 gây nên. Thương tổn dạng u hoặc sẩn sừng, khô nhám, có đường kính 2 – 10mm, phẳng, không nhô cao khỏi mặt da, màu xám. Trên hạt cơm xuất hiện các gai nhỏ, viền dày sừng màu vàng trong.
  • Hạt cơm phẳng: Do HPV typ 3, 10, 28 và 49 gây nên. Vị trí xuất hiện của yếu ở mặt, mu bàn tay, cẳng tay, cẳng chân và ngực. Tổn thương dạng sẩn dẹt, ít sần sùi, phẳng hơi gồ nhẹ trên mặt da. Hạt cơm kích thước nhỏ 1 – 5mm, hình tròn hoặc đa giác, hay lan theo vết gãi tạo nên những vệt sẩn thắng gọi là dấu hiệu Koebner.
  • Hạt cơm hậu môn, sinh dục ( còn gọi là sùi mào gà): Thường do HPV typ 6 và 11 gây nên. Hạt cơm dạng sẩn, có các nhú mềm màu hồng tươi giống như các tinh thể nhô lên khỏi bề mặt da, xòe rộng ra giống mào con gà, không ngứa , không đau. Dạng này  hay gặp ở niêm mạc vùng sinh dục, hậu môn.

Phương pháp điều trị viêm da virus HPV:

  • Dùng thuốc: Thường sử dụng các loại thuốc bôi như Acid Salicylic 15-40% (Duofilm), Acid Trichloracetic 33%, Podophyllin 25%, kem Imiquimod 5%, kem Tretinoin (Locacid 0,05-0,1%) để loại bỏ các tổ chức sần sùi, chống viêm, ngừa bội nhiễm.
  • Phương pháp không dùng thuốc: Đốt điện, đốt bằng Laser CO2 hoặc dùng liệu pháp lạnh (áp Nitơ lỏng lạnh – 1960 C vào hạt cơm)

Như vậy, có thể nhận thấy rằng viêm da virus là tình trạng tổn thương phổ biến, xuất hiện dưới dạng các tên gọi khác nhau. Mặc dù được coi là lành tình nhưng các dạng viêm da virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, kịp thời. Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin hữu ích giúp người bệnh biết cách phân biệt và điều trị phù hợp.

3.6/5 - (5 bình chọn)

Tin mới

Nổi Mề Đay Ở Cổ: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Bệnh Hiệu Qủa

Tổng hợp các loại thuốc trị chàm khô nhanh khỏi nhất hiện nay

Top 13+ cách chữa đau dạ dày khẩn cấp hiệu quả tức thì

Các Loại Thuốc Chống Xuất Tinh Sớm Hiệu Quả Tốt Nhất

Top 11 Thuốc Trị Rối Loạn Cương Dương Hiệu Quả Nhất

Dấu hiệu nổi mẩn ngứa ở chân, tay: Cách phòng ngừa và điều trị

Mẩn Ngứa Ở Trẻ Do Đâu? Cách Điều Trị Sớm An Toàn, Hết Ngứa

Nổi Mẩn Ngứa Sau Khi Tắm Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ ngứa ở chân và hướng điều trị

Bị nổi mẩn đỏ ở tay là do đâu? Cách điều trị thuyên giảm

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?