Viêm Da Cơ Địa Ở Tay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị

Cập nhật: 29/03/2024

Viêm da cơ địa ở tay là một dạng tổn thương da khá phổ biến, có xu hướng kéo dài dai dẳng, dễ tái phát. Bệnh đặc trưng bởi dấu hiệu bàn tay thô ráp, nứt nẻ, sưng đỏ và ngứa ngáy. Viêm da cơ địa ở tay nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây phiền toái cho người bệnh.

Bệnh viêm da cơ địa ở tay là gì?

Viêm da cơ địa ở tay (Atopic Dermatitis-AD hand) là bệnh lý viêm da mãn tính đi kèm với tổn thương da như những cơn ngứa dai dẳng, da bị nổi mẩn đỏ, sần ngứa khu trú ở tay, tróc vảy sừng trên da.

Tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với yếu tố dễ gây kích ứng như chất tẩy rửa, bụi bẩn, mủ thực vật, nấm mốc,… và thực hiện nhiều hoạt động khác nên các triệu chứng viêm da cơ địa có xu hướng khởi phát nhiều hơn so với những vị trí khác trên cơ thể.

Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay
Một số hình ảnh viêm da cơ địa ở tay

Bệnh thường gặp ở mọi đối tượng, trong đó trẻ em chiếm khoảng 30% và khoảng 10% là ở người trưởng thành. Đa phần người bệnh đều mắc viêm da cơ địa từ khi còn nhỏ, sau đó có thể biến mất sau một thời gian hoặc kéo dài trong nhiều năm liền, gây tổn thương da nặng.

Dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh là tình trạng ngứa ngáy, sưng đỏ, nổi sẩn ở bàn tay. Ở những trường hợp diễn tiến nghiêm trọng hơn vùng da tay có thể xuất hiện những mụn ngứa, rỉ nước, bong tróc ở kẽ ngón tay, đầu ngón tay, lòng bàn tay,…

Dấu hiệu điển hình của bệnh

Viêm da cơ địa ở tay thường khởi phát và diễn tiến qua nhiều mức độ, giai đoạn khác nhau. Tùy theo từng giai đoạn bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau như:

  • Giai đoạn cấp tính: Bàn tay nổi các nốt ban đỏ có hình tròn, mọc khu trú thành từng mảng. Vùng da nổi ban có ranh giới rõ ràng, cộm lên, đi kèm mụn nước nhỏ li ti. Bề mặt da sần sùi, thô ráp nhưng không có vảy sừng. Người bệnh cảm thấy ngứa âm ỉ, kéo dài. Nếu gãi thường xuyên sẽ khiến da bị trầy xước, tiết dịch, nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn cao nếu không được chăm sóc đúng cách.
  • Giai đoạn bán cấp: Đây là giai đoạn chuyển tiếp bệnh từ cấp tính thành mãn tính. Ở giai đoạn này, những cơn ngứa thường đi kèm với đau nhức tại vùng khớp tay bên dưới vùng da tổn thương. Bề mặt da khá khô, xuất hiện lớp sừng cứng, da dễ bị nứt nẻ.
  • Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn này, vùng da tay bị tổn thương bắt đầu tạo thành lớp sừng dày, mảng lichen hóa, sẫm màu, da khô nứt nẻ. Trẻ nhỏ mắc bệnh thường đau ngứa ở da, bé khó chịu, quấy khóc, biếng ăn và ngủ ít hơn.

Nguyên nhân gây bệnh do đâu?

Viêm da cơ địa ở tay thường diễn tiến trong thời gian dài, mãn tính và có tính di truyền. Nếu gặp phải tác nhân gây kích ứng, bệnh sẽ bùng phát và tiến triển nặng dần. Hiện nay, vẫn chưa xác định chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Có khoảng 60% các trường hợp viêm da cơ địa do di truyền. Trong gia đình nếu bố mẹ có tiền sử bị viêm da cơ địa thì con cái sinh ra có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
  • Tiếp xúc dị nguyên: Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên như chất tẩy rửa, hóa chất, mủ thực vật, mỹ phẩm, lông động vật,… sẽ kích thích cơ thể hình thành các phản ứng dị ứng, từ đó làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
  • Môi trường ô nhiễm: Khói bụi, bụi bẩn, ẩm mốc, chất thải sinh hoạt, hóa chất công nghiệp,… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa ở tay và toàn thân, bệnh viêm da tiếp xúc, bệnh viêm da dị ứng,…
  • Thời tiết lạnh khô: Thường xuyên sinh hoạt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lạnh có nguy cơ bị viêm da cơ địa ở tay cao hơn. Bởi thời tiết càng lạnh sẽ khiến da càng khô ráp, dễ mất nước, da nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các dị nguyên.

Viêm da cơ địa ở tay có lây không? Có nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa ở tay không phải là bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn hay nấm gây ra. Vì vậy, bệnh không thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người được. Người bệnh viêm da cơ địa có thể tiếp xúc, sinh hoạt bình thường với mọi người xung quanh.

Mặc dù không lây nhiễm trực tiếp nhưng viêm da cơ địa ở tay có tính chất di truyền cho thế hệ sau. Nếu gia đình có cả cha mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ con cái sinh ra có gen mắc bệnh lên đến 80%. Tỷ lệ này có thể thấp hơn khoảng 60% trong trường hợp chỉ có 1 người (bố hoặc mẹ) có tiền sử mắc bệnh.

Thêm vào đó, các triệu chứng của bệnh thường kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần gây tổn thương nặng đến cấu trúc da và khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Bệnh viêm da cơ địa lâu ngày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm da bội nhiễm, nhiễm trùng da: Khi người bệnh chà xát, gãi cào quá mức dẫn đến hình thành vết thương hở, trầy xước trên da. Đây là cơ hội để vi khuẩn, virus, nấm men xâm nhập gây nhiễm trùng da.
  • Nhiễm trùng huyết: Tình trạng này xảy ra khi virus, vi khuẩn xâm nhập sâu qua da vào máu, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Biến dạng móng tay: Ở một số trường hợp tổn thương da có thể lây lan đến vùng da dưới móng và gây biến dạng móng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thẩm mỹ của người bệnh.

Cách chữa viêm da cơ địa ở tay

Hiện nay, việc điều trị viêm da cơ địa ở ngón tay, bàn tay thường có nhiều phương pháp khác nhau như: điều trị tây y, sử dụng mẹo dân gian tại nhà hoặc áp dụng bài thuốc đông y. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và cơ địa người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Điều trị bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà

Trong trường hợp tổn thương da ở mức độ nhẹ, phạm vi nhỏ người bệnh có thể phục hồi da và làm giảm ngứa ngáy với một số biện pháp điều trị tại nhà như:

  • Ngâm nước muối ấm: Ngâm nước muối ấm có tác dụng giảm ngứa và làm dịu tổn thương da nhanh chóng. Nhiệt độ ấm từ nước kết hợp với khả năng kháng viêm, giữ ẩm của muối có thể làm mềm da, giảm tình trạng ngứa ngáy, sưng đỏ trên da.
  • Chườm đá lạnh: Dùng túi chườm đá lên da trong khoảng 15 – 20 phút có thể làm co mạch máu, hạn chế máu tuần hoàn đến vùng da bị viêm, từ đó giảm bớt tình trạng sưng viêm và đau nhức.
  • Sử dụng tinh dầu tự nhiên: Sử dụng 1 – 2 giọt tinh dầu nhiên (dầu hạnh nhân, ô liu, dầu dừa, dầu argan) massage nhẹ nhàng lên vùng da tổn thương có hiệu quả làm giảm tình trạng khô da, bong tróc da, dưỡng ẩm và ngăn ngừa nứt nẻ, hạn chế thâm sẹo trên da.
  • Dùng gel nha đam: Lấy phần thịt gel trong suốt bên trong đắp trực tiếp len vùng da tổn thương mỗi ngày. Gel nha đam có tác dụng làm dịu da, hỗ trợ tốc độ hồi phục tế bào da hư tổn, giảm khô ráp và ngứa ngáy cho người bệnh.

Lưu ý: Các mẹo chữa viêm da cơ địa ở tay tại nhà chỉ phù hợp với trường hợp bệnh mới khởi phát, tổn thương da còn ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, hiệu quả điều trị ở mỗi người cũng không giống nhau do tình trạng cơ địa, cách thực hiện khác nhau. Vì vậy, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ da liễu trước khi thực hiện.

Cách chữa bằng thuốc tây

Trường hợp viêm da cơ địa bàn tay nghiêm trọng, người bệnh cần kết hợp dùng thuốc đặc trị mới đạt hiệu quả. Thông thường, người bệnh viêm da cơ địa được chỉ định kê đơn các nhóm thuốc điều trị chính là: Thuốc uống và thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.

Trong đó, thuốc bôi điều trị tại chỗ sẽ được ưu tiên sử dụng nhiều. Nếu người bệnh có đáp ứng không tốt với thuốc bôi hoặc tình trạng bệnh lý nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc uống toàn thân, thuốc tiêm để kiểm soát triệu chứng tổn thương da. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị viêm da cơ địa ở ngón tay, bàn tay phổ biến:

Thuốc bôi điều trị tại chỗ:

  • Thuốc kháng histamine H1: Triamcinolon acetonid, Dexamethason, Clobetasol,… có tác chống dị ứng và giảm ngứa, giảm sưng đỏ, phù nề trên da.
  • Thuốc ức chế miễn dịch Calcineurin: Có tác dụng làm dịu, phục hồi và ngăn ngừa tổn thương lan rộng trên da. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của da với tia UVA và UVB, vì vậy trong thời gian sử dụng cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Corticoid bôi ngoài da: Đây là nhóm thuốc điều trị viêm da cơ địa ở tay được sử dụng phổ biến nhất, có tác dụng chống dị ứng và giảm viêm mạnh. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ như teo da, rậm lông, tăng nguy cơ nhiễm trùng,… Vì vậy, người bệnh chỉ nên sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian ngắn, không quá 2 tuần.
  • Thuốc kháng sinh: Thường được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng, có bội nhiễm da.
Thuốc bôi điều trị tại chỗ được ưu tiên sử dụng nhiều
Thuốc bôi điều trị tại chỗ được ưu tiên sử dụng nhiều

Thuốc uống: Với trường hợp người bệnh viêm da cơ địa ở tay nặng, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số thuốc corticoid, kháng sinh, giảm đau, kháng histamin,… dạng uống để kết hợp điều trị.

Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng bên ngoài của bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn kê đơn của bác sĩ, không tự sử dụng hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định.

Lưu ý trong chăm sóc và phòng ngừa viêm da cơ địa ở tay

Viêm da cơ địa ở tay là căn bệnh mãn tính, kéo dài nên người bệnh cần chuẩn bị tâm lý điều trị lâu dài. Ngoài việc dùng thuốc điều trị, người bệnh có thể chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dưới đây là những lưu ý để chăm sóc và ngăn ngừa bệnh hiệu quả hơn:

  • Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là sau khi tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn, nguồn nước bẩn,…
  • Giữ cơ thể khô thoáng vì ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển.
  • Cung cấp đủ độ ẩm cho da bằng cách uống đủ nước, bôi kem dưỡng ẩm. Đặc biệt là vào mùa đông, nên bôi kem dưỡng ẩm da tay 2-3 lần/ngày.
  • Sử dụng găng tay bảo vệ da khi tiếp xúc với hóa chất như: nước tẩy, bột giặt, dầu rửa bát,…
  • Bổ sung thêm nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong thực đơn hàng ngày như: rau xanh, trái cây tươi,… để hệ miễn dịch khỏe mạnh ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Tắm nước ấm, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Sử dụng sữa tắm, sữa rửa mặt, chất tẩy rửa gia dụng,… ít kích ứng, phù hợp cho da nhạy cảm, không chứa hóa chất gây hại.
  • Giữ vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc với những yếu tố dễ gây phản ứng dị ứng trên da như bụi bẩn, nước bị ô nhiễm, hóa chất bào mòn da,…

Viêm da cơ địa ở tay là bệnh lý ngoài da không quá nguy hiểm, tuy nhiên các triệu chứng bệnh thường có xu hướng kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, tâm lý và ngoại hình của người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên chủ động thăm khám, điều trị và phòng ngừa bệnh từ sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC