Viêm Da Cơ Địa Ở Mặt, Môi – Cách Chữa Không Để Lại Sẹo

Cập nhật: 28/03/2024

Viêm da cơ địa ở mặt, môi là những tổn thương da có thể gặp ở bất cứ ai. Bệnh không chỉ gây ra các triệu chứng sần sùi, bong tróc gây mất thẩm mỹ mà còn để lại sẹo vĩnh viễn và gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, giảm thị lực. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp người bệnh tìm hiểu và có giải pháp điều trị viêm da hiệu quả, an toàn, không để lại sẹo thâm.

Viêm da cơ địa ở mặt, môi là bệnh gì?

Viêm da cơ địa là tình trạng tổn thương da vùng mặt mãn tính, lâu dài và có xu hướng tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc trưng của tổn thương da này là sự xuất hiện các mụn nước và nốt mẩn đỏ gây ngứa, khô da và bong trong tróc, thậm chí nứt nẻ, chảy máu. Bệnh lý này thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào, trong đó có da mặt và da môi.

viem-da-co-dia-mat-moi
bệnh viêm da cơ địa ở mặt môi

Viêm da cơ địa ở mặt và môi thường có phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn, thường xảy ra ở 2 bên má, xung quanh miệng và da môi. Do đặc điểm cấu trúc da mỏng, nhạy cảm nên khi xảy ra tình trạng viêm da cơ địa ở mặt và môi, các tổn thương thường để lại sẹo, vết thâm, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Do đó, việc điều trị viêm da cơ địa ở mặt và môi không chỉ tập trung cải thiện ngứa, khô, bong tróc mà còn kiểm soát và làm giảm nguy cơ hình thành sẹo thâm thẩm mỹ.

Triệu chứng nhận biết viêm da cơ địa ở môi và mặt

Viêm da cơ địa ở mặt thường có nhiều dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da hoặc dị ứng khác ở mặt như viêm da tiết bã nhờn, viêm da tiếp xúc, dị ứng mỹ phẩm, dị ứng thức ăn… Bên cạnh đó, các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa còn có thể thay đổi theo độ tuổi và chế độ sinh hoạt của người bệnh. Cụ thể:

Triệu chứng viêm da cơ địa trên mặt ở trẻ sơ sinh:

  • Tổn thương da thường tập trung ở vùng da 2 bên má
  • Da trẻ bắt đầu trở nên khô, ngứa và xuất hiện các mụn nước. Ngứa khiến trẻ cào gãi làm mụn nước vỡ, tiết dịch và đóng vảy tiết.
  • Tổn thương da thường tồn tại trong một thời gian và có xu hướng giảm dần khi trẻ lớn (thường sau 6 tuổi)
 

Triệu chứng viêm da cơ địa trên mặt ở người lớn:

  • Tổn thương da thường không tập trung khú trú mà có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên mặt.
  • Dấu hiệu ban đầu của bệnh là các vết ban đỏ, châm chích và ngứa nhẹ xuất hiện rải rác trên mặt.
  • Sau đó, tổn thương sẽ lan dần xuống cằm, ngực, quai hàm hoặc ảnh hưởng đến vùng da mắt, trán, da đầu…
  • Ngứa từ nhẹ, âm ỉ đến dữ dội, đặc biệt là khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như nước, hóa chất, dị nguyên…
  • Có thể xuất hiện nhiều mụn nước, mụn mủ nhỏ, tiết dịch gây đau rát và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Da khô, bong tróc
  • Các tổn thương da ở người lớn thường được cải thiện nhanh hơn so với trẻ sơ sinh nhưng dễ hình thành vết thâm và sẹo hơn
 

Triệu chứng viêm da cơ địa ở môi

  • Tổn thương da xuất hiện ở cả cánh môi trên, dưới và vùng da xung quanh miệng
  • Da môi và vùng da quanh miệng thường bắt đầu khô, ngứa nhẹ, bong tróc và ửng đỏ
  • Sau đó, môi xuất hiện các mụn nước có kích thước nhỏ li ti, dễ vỡ, chảy dịch và hình thành các vết trợt, loét
  • Sau khi mụn nước vỡ, 1 lớp vảy tiết đóng lại khiến da môi trở nên khô ráp, xấu xí
  • Cảm giác ngứa và châm chích, đặc biệt là khi người bệnh ăn uống.

Nguyên nhân gây bệnh do đâu?

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở mặt, môi đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nghiên cứu bệnh học và lâm sàng cho thấy, bệnh có thể do yếu tố di truyền, thường xuất hiện ở những người mắc bệnh dị ứng hoặc tự miễn. Ngoài ra, một số tác nhân bên ngoài như tiếp xúc hóa chất, phấn hoa, lông động vật, thay đổi thời tiết… có thể khiến bệnh khởi phát hoặc tiến triển nặng hơn.

Các yếu tố có thể là nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Di truyền: Thống kê cho thấy có khoảng 60% người bị viêm da cơ địa ở môi và mặt có con cũng mắc bệnh này. Tỷ lệ này có thể lên tới 80% nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh.
  • Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố thuận lợi khiến bệnh dễ bùng phát.
  • Dị ứng: Dị ứng mỹ phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất làm bùng phát bệnh viêm da cơ địa ở mặt và môi. Một số thành phần độc hại trong các loại mỹ phẩm có thể gây tổn thương da ở các mức độ khác nhau.
  • Thay đổi thời tiết: Thời tiết lạnh có thể khiến da mất nước, làm giảm khả năng miễn dịch của da và tạo điều kiện của viêm da cơ địa phát triển.
  • Căng thẳng, rối loạn nội tiết: Căng thẳng thần kinh hoặc những thay đổi về nội tiết ở người như mang thai, cho con bú… có thể khiến bệnh viêm da cơ địa dễ bùng phát.
  • Tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao trong thời gian dài: Do cấu trúc mỏng, yếu nên vùng da ở mặt và môi dễ bị tổn thương bởi tia UV trong ánh nắng mặt trời. Tình trạng này có thể khiến hệ miễn dịch của da suy yếu và dễ mắc bệnh hơn.
  • Yếu tố khác: Đặc tính của da, dị ứng phấn hoa, lông động vật, chất liệu quần áo, dị ứng hóa chất, xà phòng, nhiễm virus, vi khuẩn…

Viêm da cơ địa ở môi, mặt có nguy hiểm không?

Theo các chuyên da, viêm da cơ địa ở môi, mặt là những tổn thương lành tính, không đe dọa tới tính mạng người bệnh. Tuy nhiên những triệu chứng viêm, ngứa, bong tróc, nứt nẻ lại gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, gây mất thẩm mỹ và hình thành áp lực tâm lý đối với bệnh nhân.

Bội nhiễm, nhiễm trùng da là biến chứng dễ gặp và khá nguy hiểm ở bệnh nhân viêm da cơ địa ở môi, mặt. Biến chứng này có thể gây hoạt tử da, nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Thậm chí, ngay cả khi đã được điều trị, da mặt và vùng xung quanh môi của bệnh nhân cũng có thể để lại vết thâm, sẹo, gây mất thẩm mỹ, mất tự tin trong giao tiếp, căng thẳng, lo âu.

viem-da-co-dia-o-mat-moi-co-nguy-hiem
nhiễm trùng viêm da cơ địa ở mặt môi nguy hiểm không?

Ngoài nhiễm trùng, người bệnh viêm da cơ địa ở mặt còn có thể gặp phải một số biến chứng khác như:

  • Viêm kết mạc dị ứng: Do các tổn thương lan đến vùng mắt gây viêm, ngứa, đỏ, đau mắt. Người bệnh thường xuyên chảy nước mắt, nhìn mờ. Biến chứng này có thể gây giảm thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
  • Chậm phát triển, dễ mắc bệnh hen suyễn: Biến chứng này dễ gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng bệnh có thể khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, kém ăn, bỏ bú, khó ngủ, chậm phát triển, dễ mắc bệnh hen suyễn…

Cách chữa viêm da cơ địa ở mặt, môi

Điều trị viêm da cơ địa hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn do chưa xác định được căn nguyên gây bệnh. Do vậy, bệnh dễ tái phát khi gặp các điều kiện thuận lợi. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là cải thiện và kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và ngừa thâm sẹo.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, các biện pháp điều trị có thể áp dụng gồm:

Chữa viêm da cơ địa trên mặt, môi bằng thuốc Tây

Việc sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa trong tây y còn phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ tổn thương của bệnh nhân. Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị và dùng thuốc của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ:

Dưỡng ẩm, làm dịu da và kiểm soát triệu chứng là nguyên tắc điều trị cơ bản của nhóm đối tượng này. Các thuốc có thể sử dụng gồm:

  • Thuốc bôi sát trùng: Thường dùng kẽm oxyd bôi đều đặn 2 – 3 lần/ngày để sát trùng và làm dịu da.
  • Kem dưỡng ẩm: Cha mẹ có thể sử dụng cho trẻ các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ như Bioderma, A-Derma, Avene,… để duy trì độ ẩm cho da, cải thiện và kiểm soát tình trạng bong tróc và sần sùi da mặt và môi.
  • Nước muối sinh lý: Dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý và thoa nhẹ nhàng lên vùng da tổn thương. Cách làm này giúp làm sạch da, giảm sưng nóng, đỏ, ngứa tuy nhiên có thể gây khô da. Do vậy, sau khi sử dụng nước muối, nên dùng kem dưỡng ẩm để hạn chế da mất nước.

Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi chứa corticoid hoặc chất ức chế miễn dịch để kiểm soát triệu chứng và ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần rất hạn chế vì thuốc có thể hấp thu qua da vào máu gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Đối với người lớn:

Thuốc điều trị viêm da cơ địa ở người lớn bao gồm cả thuốc bôi và thuốc uống:

  • Thuốc bôi sát khuẩn: Thường dùng hồ nước hoặc kẽm oxit… để làm sạch, giảm cảm giác đau rát, châm chích và sưng nóng da.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Dexamethason, Triamcinolon. Clobetasol và Hydrocortison acetat thường chỉ định cho các trường hợp vừa và nặng để giảm viêm, giảm sưng tấy, mẩn đỏ và hạn chế nhiễm khuẩn.
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin: Có tác dụng tương tự Corticoid nhưng không gây mỏng da, teo da và giãn mạch. Thường dùng xen kẽ hoặc thay thế các corticoid trong một số trường hợp.
  • Thuốc kháng Histamin: Loratadin, Desloratadin, Cetirizin… Thường dùng dạng uống để giảm ngứa, giảm tiết dịch mủ.
  • Thuốc kháng sinh, chống nấm: Có thể dùng dạng bôi hoặc uống tùy thuộc vào mức độ tổn thương viêm nhiễm.

Cần lưu ý, da mặt có cấu trúc khá mỏng nên dễ hấp thu dược chất từ thuốc. Do vậy, nếu sử dụng không đúng liều, đúng cách các loại thuốc bôi ngoài da, người bệnh có thể khiến tình trạng tổn thương, mẩn đỏ, ngứa lan rộng toàn thân. Hầu hết các loại thuốc tây đều có thể gây ra những tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, người bệnh chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra dùng thuốc bôi, uống, điều trị viêm da cơ địa ở người lớn còn có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo có kiểm soát, chiếu trực tiếp lên da để cải thiện các triệu chứng. Phương pháp điều trị này gọi là quang trị liệu hoặc liệu pháp ánh sáng. Tuy có hiệu quả tốt nhưng biện pháp này dễ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là làm tăng nguy cơ lão hóa và ung thư da.

Chăm sóc giảm thâm, ngừa sẹo sau điều trị viêm da cơ địa ở mặt, môi

Do có cấu trúc mỏng, nhạy cảm nên da mặt dễ hình thành sẹo và vết thâm sau khi điều trị, đặc biệt là trong các trường hợp nhiễm trùng. Để giảm thâm và ngừa sẹo, người bệnh có thể thực hiện một số giải pháp dưới đây:

  • Đắp mặt nạ nghệ, sữa chua: Với tác dụng chuyên biệt giảm thâm, chống sẹo của thành phần curcumin, nghệ là một giải pháp tuyệt vời dành cho người bệnh viêm da cơ địa ở mặt và môi. Người bệnh có thể trộn đều ½ thìa bột nghệ và 1 thìa sữa chua đắp lên mặt và môi trong khoảng 15 phút, rồi rửa lại với nước sạch. Công thức này vừa giúp trị sẹo, vừa giúp tẩy tế bào chết, nuôi dưỡng làn da trắng sáng, khỏe mạnh.
  • Dùng tinh dầu tự nhiên: Các loại tinh dầu tự nhiên như dầu ô liu, dầu dừa, dầu argan,… có chứa hàm lượng lớn các axit amin và polyphenol giúp phục hồi và nuôi dưỡng cấu trúc da, ngăn ngừa hình thành sẹo. Người bệnh có thể sử dụng 1 vài giọt tinh dầu này, massage nhẹ nhàng lên da và môi trong 2 – 3 phút mỗi ngày để duy trì độ ẩm, giảm khô ráp, bong tróc, tăng tốc độ phục hồi da.
  • Dùng dầu dừa: Dầu dừa chứa nhiều axit amin và các dưỡng chất tốt cho quá trình bổ sung độ ẩm, tăng khả năng đàn hồi và phục hồi da. Người bệnh có thể dùng 1 lượng nhỏ dầu dừa, thoa một lớp mỏng lên vùng da cần điều trị. Để nguyên 1 giờ rồi rửa lại với nước sạch.
  • Dùng kem chống nắng: Tia UV có thể là tác nhân làm bùng phát hoặc khiến bệnh viêm da cơ địa nặng hơn. Không những thế, đây còn là nguyên nhân khiến da bị tổn thương và dễ hình thành sẹo. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần tiến hành thoa kem chống nắng mỗi ngày trước khi ra ngoài hoặc di chuyển dưới ánh nắng mặt trời để bảo vệ và làm dịu da. Hãy lựa chọn các loại kem chống nắng có thành phần tự nhiên, không chứa chất kích ứng, hương liệu hoặc chất bảo quản. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia về loại kem chống nắng phù hợp với tình trạng da của bạn trước khi sử dụng.
  • Sử dụng gel nha đam: Nha đam không chỉ giúp cân bằng độ ẩm, thúc đẩy phục hồi da. Loại nguyên liệu này còn có tác dụng đánh bật các sắc tố đen sạm và ngừa sẹo hiệu quả. Hãy thoa gel nha đam lên vùng da mặt và môi mỗi tuần 3 – 4 lần để nuôi dưỡng làn da thật hiệu quả nhé.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng: Một vài loại thực phẩm có thể thúc đẩy sự tăng sinh quá mức của mô da, hình thành sẹo thẩm mỹ khó điều trị. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần tránh xa một số cái tên như rau muống, đồ nếp, cà phê, bia rượu, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đường, muối, chất béo và gia vị. Tích cực uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và bổ sung vitamin, khoáng chất đầy đủ để sẹo thâm nhanh được cải thiện.

Phòng bệnh như thế nào?

Viêm da cơ địa ở mặt và môi là bệnh mãn tính, khó điều trị và dễ tái phát. Do vậy, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này, thực hiện đúng, đủ các biện pháp phòng bệnh tích cực là giải pháp an toàn và hữu hiệu nhất. Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh cần chú ý một số vấn đề trong phòng bệnh như:

  • Vệ sinh da mặt mỗi ngày không quá 2 lần với các sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ, chuyên dụng cho da nhạy cảm như Cetaphil, Aderma, Eucerin và Cerave….
  • Không rửa mặt với nước quá nóng (trên 40 độ C). Sau khi rửa mặt nên dùng khăn cotton thấm khô nước.
  • Sử dụng kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà hoặc di chuyển dưới trời nắng gắt để bảo vệ da.
  • Uống nhiều nước và tăng cường các thực phẩm có lợi cho da như rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu collagen…
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng mỹ phẩm, nước hoa trong thời gian điều trị. Cân nhắc lựa chọn các loại mỹ phẩm an toàn, không chứa hương liệu và chất bảo quản độc hại. Có thể tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ trước khi mua và sử dụng lên làn da nhạy cảm của bạn.
  • Bảo vệ và che chắn da trong thời gian chuyển mùa hoặc khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
  • Không sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng, các loại thực phẩm, đồ uống có hại cho da như rượu bia, cà phê, thuốc lá
  • Dưỡng ẩm da thường xuyên, nhất là khi thời tiết khô hanh hoặc ngồi lâu trong phòng điều hòa.
  • Tránh dùng tay cào gãi hoặc chà xát lên môi, mặt vì chúng có thể làm tổn thương nặng nề hơn. Nên vệ sinh và cắt móng tay sạch sẽ.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông động vật, di nguyên, hơi hóa chất…
  • Cân bằng thời gian nghỉ ngơi, làm việc để hạn chế stress, giảm căng thẳng. Chú ý dành thời gian để tập luyện thể dục hằng ngày nhằm nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy quá trình thải độc da.

Viêm da cơ địa ở mặt, môi mặc dù lành tính và ít nguy hiểm, tuy nhiên bệnh lại gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ, cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để, không tái phát. Vì vậy, chủ động phòng bệnh tích cực là giải pháp tốt nhất để kiểm soát và hạn chế các rủi ro có thể phát sinh.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC