Vảy Nến Toàn Thân: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Cập nhật: 28/03/2024

Vảy nến toàn thân hay vảy nến đỏ da toàn thân là bệnh lý da liễu mãn tính, hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Bệnh gây viêm đỏ, sưng nề trên hầu hết bề mặt cơ thể, khiến người bệnh ngứa ngáy, đau rát dữ dội. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên đi khám bác sĩ nay khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách nhận biết sớm dấu hiệu bệnh, xử lý đúng cách trong những trường hợp khẩn cấp.

Bệnh vảy nến toàn thân là gì? Nguy hiểm như thế nào?

Vảy nến là dạng bệnh da liễu cơ địa khá phổ biến, được chia thành nhiều thể với những đặc trưng về vị trí và mức độ tổn thương khác nhau. Trong đó, vảy nến toàn thân (Generalized erythrodermic psoriasis) hay vảy nến đỏ da toàn thân là một trong những dạng bệnh vảy nến nghiêm trọng nhất. Thẻ bệnh này rất hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng người mắc phải.

Tương tự như các dạng bệnh vảy nến khác, vảy nến toàn thân xuất phát từ cơ chế rối loạn miễn dịch. Tuy nhiên, bệnh gây gây tổn thương ban đỏ, phù nề, rớm dịch trên hầu hết bề mặt da (ít nhất 90% tổng diện tích da của cơ thể). Thể bệnh này thường là tiến triển từ bệnh vảy nến mụn mủ hoặc vẩy nến thể mảng, đôi khi là do dùng thuốc. Hiếm khi bệnh là biểu hiện đầu tiên của vảy nến.

vay-nen-toan-than
Vảy nến toàn thân là một bệnh nghiêm trọng

Vảy nến đỏ da toàn thân là một bệnh da liễu cấp tính. Nếu không được cấp cứu kịp thời, để biến chứng tiến triển, bệnh có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong nhanh chóng.

Thông thường, làn da của chúng ta có tác dụng điều hòa nhiệt độ cơ thể, kiểm soát độ ẩm, ngăn chặn vi trùng, virus và độc tố tấn công. Khi mắc bệnh vảy nến, các chức năng này đều bị loại bỏ. Kết quả là:

  • Nhiệt độ cơ thể hạ thấp nghiêm trọng (hạ thân nhiệt)
  • Nhiễm trùng, phổ biến và nặng hơn cả là nhiễm trùng máu và viêm phổi.
  • Mất protein, mất nước, phù nề. Khi bị mất chất lỏng quá nhiều, tim không đủ máu để bơm, dẫn đến sốc, suy thận và suy tim.

Chưa kể, việc dùng thuốc điều trị vảy nến cũng có thể mang lại cho người bệnh hàng loạt những tác dụng nguy hiểm trên gan, thận, tim mạch, làm tăng nguy cơ phát triển các khối u, đặc biệt là ung thư da.

Vảy nến toàn thân là một dạng vảy nến hiếm gặp, ảnh hưởng tới khoảng 1% các ca vảy nến nói chung nhưng cực kỳ nguy hiểm. Điều quan trọng là bạn cần phát hiện sớm các triệu chứng và thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên.

Triệu chứng điển hình

Các triệu chứng bệnh vảy nến toàn thân thường khá dữ dội và rõ nét. Chúng có thể xuất hiện đột ngột trong một đợt vảy nến cấp mới hoặc xuất hiện từ từ theo thời gian sau một đợt vảy nến thể mảng.

Triệu chứng nhận biết bệnh vảy nến đỏ da toàn thân gồm:

  • Da đỏ rực từ đầu đến chân, trên phần lớn bề mặt da của cơ thể là triệu chứng điển hình nhất.
  • Vùng da bị tổn thương có thể được bao phủ bởi những mảng vảy trắng bạc. Chúng có thể bong ra thành từng miếng lớn.
  • Cảm giác bỏng rát, đau đớn và ngứa ngáy dữ dội.
  • Có thể xuất hiện những mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ.
  • Tăng nhịp tim
  • Nhiệt độ cơ thể thay đổi bất thường, có thể sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau các khớp và sưng mắt cá chân.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến toàn thân chưa được xác định cụ thể. Giống như các dạng bệnh vảy nến khác, cơ chế gây bệnh vảy nến toàn thân được cho là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Ở người bình thường, hệ miễn dịch sản xuất một loại tế bào bạch cầu, được gọi là lympho T, có tác dụng nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn, virus lạ xâm nhập vào da. Trong bệnh vảy nến, cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào lympho T này. Chúng nhận diện sai lệch và tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Hậu quả là làm tăng sinh quá mức các tế bào da mới, tạo các mảng sừng dày, bong tróc, ngứa ngáy, nứt nẻ trên bề mặt da.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng, bệnh vảy nến đỏ da còn có thể bùng phát do các yếu tố sau:

  • Di truyền từ bố mẹ
  • Nhiễm trùng
  • Lạm dụng thuốc corticoid
  • Da bị cháy nắng
  • Nghiện rượu
  • Dị ứng da hoặc phát ban
  • Căng thẳng, stress, lo âu quá mức
  • Đột ngột dừng điều trị một thể bệnh vảy nến trước đó, chủ yếu là vảy nến mảng và vảy nến mụn mủ
  • Tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị bệnh vảy nến trước đó.

Chẩn đoán và điều trị bệnh vảy nến toàn thân

vay-nen-toan-than1
Chẩn đoán và điều trị vảy nến toàn thân

Các bác sĩ có thể xác định bệnh vảy nến đỏ da toàn thân bằng cách tiến hành kiểm tra lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh tật, dùng thuốc của  người bệnh. Thông thường, một người có dấu hiệu da đỏ rực, bong tróc nghiêm trọng trên khoảng 90% diện tích da sẽ được chẩn đoán xác định là bệnh vảy nến đỏ da toàn thân.

Ngoài ra, để chắc chắn, một số xét nghiệm có thể được đề xuất thêm như:

  • Sinh thiết da
  • Xét nghiệm kiểm tra dị ứng, viêm da tiết bã hoặc các tình trạng khác
  • Xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng

Điều trị bệnh vảy nến đỏ da toàn thân gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các biến chứng đã xuất hiện. Phương pháp điều trị bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp cấp cứu khẩn cấp, bù nước, điện giải tránh mất nước là bước điều trị đầu tiên cần được thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thể trạng của từng đối tượng bệnh nhân.

Điều trị tại chỗ

Để làm dịu da, giảm cảm giác bỏng rát và khó chịu, người bệnh có thể sử dụng:

  • Dùng kem dưỡng ẩm hoặc kem bôi chứa corticoid tại chỗ. Nên thoa kem ngay sau tắm hoặc trước khi đi ngủ.
  • Dùng băng gạc ướt để đắp lên da
  • Tắm bột yến mạch, nước tía tô hoặc nước trà xanh

Thuốc điều trị vảy nến toàn thân

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của triệu chứng bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp một vài loại thuốc sau đây:

  • Cyclosporine (Infliximab): Thường được lựa chọn đầu tiên. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tấn công của các tế bào miễn dịch, ức chế các phản ứng tự miễn của cơ thể.
  • Acitretin hoặc Methotrexate: Có tác dụng kiểm soát sự tăng sinh quá mức của các tế bào da. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường cho hiệu quả tác dụng chậm hơn.
  • Thuốc ức chế miễn dịch khác: adalimumab (Humira ), adalimumab-ATTO (Amjevita), brodalumab (Siliq)… cho tác dụng mạnh hơn nhưng nhiều tác dụng phụ nguy hiểm hơn.
  • Thuốc khác: Kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng – giảm ngứa, thuốc an thần – chống trầm cảm…

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh vảy nến đỏ da toàn thân?

Ngoại trừ một số nguy cơ không thể tránh khỏi như yếu tố di truyền, người bệnh có thể phòng tránh bệnh vảy nến toàn thân bằng cách thực hiện tích cực các biện pháp sau:

  • Thường xuyên dưỡng ẩm da, hạn chế để da khô, mất nước
  • Uống nhiều nước, có thể bổ sung nước ép hoa quả tươi giàu vitamin.
  • Bổ sung các thực phẩm tốt cho da và hệ miễn dịch như rau xanh, trái cây, thực giàu kẽm và omega 3
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, muối và dầu mỡ
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức đề kháng
  • Điều trị triệt để các chấn thương, nhiễm trùng da
  • Tuân thủ các hướng dẫn điều trị vảy nến của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc đột ngột
  • Thư giãn, điều hòa cảm xúc, hạn chế căng thẳng

Vảy nến toàn thân là một bệnh da liễu nguy hiểm và khó để điều trị dứt điểm. Đây là một dạng vảy nến hiếm gặp, có thể chỉ xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong suốt cuộc đời của người bệnh. Phòng và điều trị tích cực là cách tốt nhất để cải thiện bệnh và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC