Vảy Nến Thể Mảng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Trị

Cập nhật: 28/03/2024

Vảy nến thể mảng là một tình trạng viêm da cơ địa, có tính chất dai dẳng, dễ tái phát theo chu kỳ. Đây là một thể bệnh phổ biến, gặp ở hầu hết người bệnh từng mắc phải vảy nến. Các thông tin trong bài viết dưới đây có thể giúp bạn phát hiện sớm nguy cơ, xử lý kịp thời và phòng ngừa hiệu quả căn bệnh da liễu chưa có phương pháp chữa này.

Vảy nến thể mảng là gì? Có nguy hiểm không?

Vảy nến là một tình trạng viêm da mãn tính, xuất phát từ những rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể làm tăng sinh tế bào da gây bong vảy, khô ngứa da. 

Vảy nến thể mảng (plaque psoriasis) là hình thức phổ biến nhất của bệnh vảy nến. Có khoảng 80 – 90% những người bị vảy nến đều đã trải qua giai đoạn vảy nến mảng. Khi bị vảy nến thể mảng, da người bệnh thường xuất hiện các vảy màu trắng bạc bao phủ lên các mảng da màu đỏ. Những mảng da này thường xuất hiện ở vùng da đầu, đầu gối, khuỷu tay và lưng dưới có kích thước từ cỡ đồng xu đến cỡ lòng bàn tay.

hinh-anh-vay-nen-the-mang
hình ảnh bệnh vảy nến thể mảng

Phần lớn các trường hợp vảy nến mảng đều gây nên những triệu chứng ngoài da như bong tróc, ngứa và đau mà không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời, vảy nến mảng hoàn toàn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng về thận: Bệnh có thể làm suy giảm chức năng lọc của cầu thận, làm tăng nguy cơ suy thận.
  • Biến chứng nội tiết và chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa gây ra bởi bệnh vảy nến thể mảng có thể gây ra bệnh đái tháo đường typ 2, béo phì, tăng lipid máu, tăng cholesterol máu gây xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ…
  • Biến chứng tim mạch: Những người bị vảy nến thể mảng có nguy cơ tăng huyết áp, gặp các cơn đau tim và đột quỵ thường xuyên hơn so với người bình thường.
  • Biến chứng về mắt: Viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, suy giảm thị lực, nhìn mờ là những biến chứng người bệnh vảy nến thể mảng có thể gặp.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Vảy nến mảng xảy ra ở những vùng da hở sẽ khiến người bệnh có tâm lý tự ti, dễ mặc cảm, xấu hổ và ngại giao tiếp. Ngoài ra, sự kì thị, xa lánh từ người xung quanh cũng có thể là nguyên nhân khiến người mắc vảy nến mảng dễ bị trầm cảm.

Triệu chứng nhận biết bệnh vảy nến thể mảng

Các triệu chứng vảy nến thể mảng có thể khác nhau ở vị trí mắc bệnh và ở từng đối tượng người bệnh. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến và dễ nhận thấy, người bệnh có thể nhận biết được như:

  • Mảng da đỏ, gồ ghề: Là triệu chứng đặc trưng của bệnh vẩy nến mảng.
  • Da khô, nứt nẻ: Vùng da bị vảy nến mất nước, giảm độ ẩm tự nhiên gây khô, nứt nẻ, đôi khi gây chảy máu.
  • Vảy trắng: Trên bề mặt vùng da bị tổn thương có các lớp vảy màu trắng bạc giống như sáp nến bao phủ lên trên.
  • Ngứa, đau: Khoảng 50% người bị vảy nến mảng có thể có triệu chứng ngứa, đau tại vùng tổn thương.
  • Vị trí bị bệnh: Mảng vảy nến có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu.
  • Các triệu chứng khác: Rỗ móng, biến dạng móng, đau khớp.

Các nguyên nhân gây bệnh vảy nến mảng

Các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh vảy nến mảng. Một số nghiên cứu cho rằng, vảy nến thể mảng có liên quan đến gen và hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Vì một lý do nào đó, hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào bình thường, khỏe mạnh. Điều này khiến các tế bào da phát triển nhanh hơn so với bình thường, tích tụ và xếp chồng lên nhau tạo thành những mảng bám dày, khô trên da. 

Nguyên nhân khiến bạn bị vảy nến mảng bám thường phụ thuộc vào gen và tiền sử sức khỏe của bản thân:

  • Di truyền: Vảy nến thường được di truyền trong gia đình có ít nhất 1 thành viên (thường là bố hoặc mẹ hoặc cả 2) mang bệnh. Có khoảng 10% số người được sinh ra mang gen bệnh vảy nến. Tuy nhiên, chỉ có 3 % trong số đó phát triển thành bệnh lâm sàng.
  • Tiền sử sức khỏe: Người mang gen bệnh có thể bị kích hoạt vảy nến do các yếu tố như: tổn thương da, nhiễm trùng da, cháy nắng, dùng thuốc, nhiễm trùng, căng thẳng, hút thuốc, rượu bia, hóa chất, dị ứng…

Bệnh vảy nến thể mảng không lây nhiễm từ người sang người bằng các chạm hoặc các tiếp xúc trực tiếp khác. Do vậy, những người xung quanh có thể chung sống bình thường với người bệnh. Không nên có các cử chỉ xa lánh, kỳ thị gây ra tâm lý mặc cảm, ảnh hưởng tới quá trình điều trị và sức khỏe của người mắc vảy nến mảng.

 Các phương pháp điều trị vảy nến thể mảng

Bệnh vảy nến thể mảng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều đó có nghĩa là các phương án điều trị hiện nay đều chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, kiểm soát biến chứng và giảm và hạn chế tối đa số lần tái phát bệnh.  

Các phương pháp đang được áp dụng để điều trị vảy nến thể mảng gồm:

Điều trị vảy nến mảng bằng Tây y

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, các bác sĩ có thể đề nghị kết hợp hoặc dùng đơn lẻ các thuốc bôi ngoài da và thuốc uống. Một số trường hợp cơ thể không đáp ứng với thuốc điều trị, liệu pháp điều trị vảy nến mảng bằng ánh sáng có thể được cân nhắc. 

Thuốc điều trị vảy nến thể mảng

  • Thuốc bôi: Nếu diện tích da tổn thương nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị bạn chỉ dùng thuốc bôi ngoài để làm giảm viêm và giảm sự phát triển của các tế bào da. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm corticosteroid, vitamin D, vitamin A và anthralin. Ngoài ra, Axits Salicylic và nhựa than đá Coal Tar cũng có thể được cân nhắc trong điều trị một số trường hợp vảy nến thể mảng nhất định.
  • Thuốc uống: Những trường hợp vảy nến mảng nghiêm trọng hơn, bạn có thể được kê toa kết hợp một số loại thuốc uống cho tác dụng toàn thân. Những loại thuốc này thường có tác dụng ức chế hoặc cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm các tế bào da chậm phát triển hơn. Các loại thuốc uống có thể được cân nhắc sử dụng là acitretin, cyclosporine và methotrexate.
  • Thuốc sinh học: Là một loại thuốc khác tác động lên hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh. Chúng thường được sử dụng theo đường tiêm giúp làm giảm viêm và cản trở quá trình tăng sinh của tế bào da. Các thuốc được sử dụng gồm:  Adalimumab (Humira), Brodalumab (Siliq),  Etanercept (Enbrel), Guselkumab (Tremfya), Infliximab (Remicade)… Phương pháp sinh học này chỉ được cân nhắc sử dụng trong các trường hợp vảy nến mảng từ vừa đến nặng.

Các loại thuốc Tây chữa bệnh vảy nến có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng liều, không đúng thời gian. Thuốc bôi trị vảy nến tại chỗ có thể gây viêm da, teo da, mỏng da, giãn tĩnh mạch dưới da, làm tăng nguy cơ ung thư da, gây nên tính trạng “bật bóng” – phản tác dụng hoặc phụ thuộc thuốc. Các loại thuốc uống, bao gồm thuốc sinh học cũng có thể gây trầm cảm, suy gan, suy thận, ung thư da… 

Do vậy, khi sử dụng, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc hoặc đổi thuốc khi chưa có y lệnh. Sau một thời gian sử dụng thuốc, nếu bệnh không được cải thiện hoặc gây ra nhiều tác dụng phụ, bạn nên trao đổi lại với bác sĩ để được đổi thuốc hoặc cân nhắc phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng hay còn gọi là quang trị liệu là phương pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo để cải thiện các triệu chứng ngoài da. Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp vảy nến mảng có kích thước lớn, lan rộng. 

Các liệu pháp có thể được sử dụng gồm: 

  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (ánh sáng tự nhiên) theo liệu trình giám sát y tế.
  • Sử dụng tia UVB nhân tạo.
  • PUVA: Sử dụng tia UVA với thuốc làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với tia UVA là psoralen.
  • Liệu pháp laser: Sử dụng tia laser nhắm trực tiếp vào các tổn thương da để phá vỡ các mảng da bị vảy nến.

Các liệu pháp ánh sáng được coi như một phương pháp điều trị tại chỗ. Phương pháp này mang lại hiệu quả cải thiện triệu chứng tốt nhưng không cao, dễ tái phát và chi phí rất tốn kém.

Chữa vảy nến thể mảng tại nhà bằng các mẹo dân gian

dieu-tri-vay-nen-theo-dan-gian
điều trị bệnh vảy nến theo dân gian

Một số bài thuốc dân gian được coi là an toàn, lành tính, mang lại hiệu quả cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến thể mảng khá tốt. Người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp như:

  • Chữa vảy nến mảng bằng giấm táo: Pha loãng giấm táo với nước sạch sau đó bôi lên vùng da bị vảy nến mảng để giảm các triệu chứng ngứa, khô, viêm, rát.
  • Chữa vảy nến thể mảng bằng lá trầu không: Sử dụng lá trầu không đã rửa sạch, đun với nước trong khoảng 15 – 20 phút. Dùng nước này để ngâm rửa vùng da bị vảy nến. Lấy bã lá trầu không sau khi đun để chà lên vùng da bị bệnh nhằm tăng hiệu quả điều trị.
  • Chữa vảy nến thể mảng bằng nha đam (lô hội): Chỉ cần sử dụng phần thịt lá nha đam bôi trực tiếp lên vùng da bị vảy nến liên tục trong nhiều ngày sẽ thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm nhanh chóng.

Ngoài những nguyên liệu này, người bệnh còn có thể sử dụng nghệ vàng, lá lốt, vòi voi, muồng trâu, lược vàng với những cách khác nhau để điều trị vảy nến mảng tại nhà. Các phương pháp này khá phù hợp với những trường hợp vảy nến ở thể nhẹ, mới mắc. Không sử dụng cho trường hợp bệnh nặng, diện tích da tổn thương lớn, có tổn thương hở, có nhiễm trùng…

Các biện pháp phòng ngừa bệnh vảy nến mảng

Hầu hết người bệnh vảy nến mảng đều phải chung sống với bệnh suốt đời. Để quá trình “chung sống” được diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn, người bệnh cần chú ý một số vấn đề trong quá trình điều trị và chăm sóc phòng ngừa sau:

  • Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu
  • Tránh các tác nhân có thể kích hoạt hoặc làm bệnh vảy nến thể mảng nặng hơn như: rượu, bia, cà phê, dị ứng, thời tiết khô lạnh, thay đổi nội tiết, hóa chất, mỹ phẩm…
  • Theo dõi chế độ ăn uống: ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D, E, chất xơ, kẽm, omega 3…
  • Uống  nhiều nước, có thể là nước hoa quả tươi.
  • Tránh xa các thực phẩm cay nóng, dễ gây dị ứng, thịt đỏ, trứng sữa…
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu đang bị béo phì…
  • Chăm sóc làn da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc sử dụng bột yến mạch, muối Epsom… để làm dịu da, tăng độ ẩm tự nhiên và độ đàn hồi cho da.
  • Cân bằng cảm xúc, chú ý giữ trạng thái thư giãn, hạn chế cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, lo âu…
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa như xà phòng… vì chúng có thể làm các tổn thương da trầm trọng hơn.
  • Giữ vệ sinh da, vệ sinh thân thể sạch sẽ để loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng từ vi khuẩn, ký sinh trùng, tẩy da chết thường xuyên.
  • Khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên, tái khám theo lịch hẹn để phát hiện các nguy cơ bệnh tật.         

Vảy nến thể mảng là một tình trạng viêm da mãn tính phổ biến gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù chưa có phương pháp chữa triệt để nhưng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách điều trị tại chỗ kết hợp thay đổi lối sống. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn đang gặp các vấn đề trong điều trị và phòng ngừa vảy nến thể mảng.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC