Trên 80% dân số thế giới sử dụng Y học cổ truyền

Sáng ngày 12/4, tại tỉnh Lào Cai – địa phương có nhiều tiềm năng phát triển về dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu ở Việt Nam.

Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước, lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo các chuyên gia ngành dược liệu… Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm có hệ thống từ trung ương đến địa phương với y học cổ truyền nói chung và phát triển ngành dược liệu nói riêng.

Tiềm năng to lớn của ngành dược liệu

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành dược liệu cổ truyền Việt Nam. Các bên cần thống nhất những giải pháp để quyết tâm đưa ngành sản xuất, chế biến dược liệu đi vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, phát huy tiềm năng to lớn và lợi thế ngàn đời nay của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước ta luôn xác định phải kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Với 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi, nước ta đã ghi nhận trên 5.000 cây thuốc quý có khả năng chữa bệnh. Đây là lợi thế to lớn trải đều ở tất cả các địa phương trên cả nước và là tiền đề để nước ta phát triển phục vụ nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu để đem về ngoại tệ cho nền kinh tế.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, lãnh đạo ngành y tế cho biết, theo WHO, hiện có trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền. Đặc biệt là sử dụng các chế phẩm, sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thuốc có nguồn gốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%.

Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, châu thụ, ba kích, ngân đằng… Quá trình điều tra về tri thức bản địa trên cả nước đã tổng hợp được danh mục nhiều loài dược liệu từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng góp phần hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, tính đến nay nước ta đã ghi nhận 5.117 loài thực vật (cả nấm), 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có dược tính và có thể dùng làm thuốc. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với trữ lượng lớn như diếp cá (5.000 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)…

Cùng với đó, việc nuôi trồng dược liệu còn đem lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với việc trồng các nhóm cây lương thực (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Cụ thể, người trồng đương quy có thể có thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu được 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm…

Phát triển dược liệu gắn với nhu cầu thị trường

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành dược liệu Việt Nam. Ông khẳng đinh: “Có thể nói kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”.

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và thành công bước đầu trong việc phát triển một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa lớn như nghệ, thảo quả, táo mèo, atiso, hoa hòe, quế, cúc hoa… Bước đầu nước ta đã có một số sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng tham quan dây chuyền sản xuất cao atiso của tại tỉnh Lào Cai

Tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nó. Cả nước mới có 400 xí nghiệp sản xuất, bào chế dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu với quy mô khác nhau.

Về quan điểm, định hướng phát triển ngành dược liệu trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định sự quan tâm của Nhà nước không đồng nghĩa với việc bao cấp. Các đơn vị phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường sơ chế, chế biến dược liệu và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa. Phát triển dược liệu phải gắn liền với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, trong từng địa phương, từng ngành. Đặc biệt, ngành y tế cần chú trọng, tập trung phát triển. Phải tổ chức lại tất cả các khâu của ngành dược liệu. Trong đó, chú ý khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, sử dụng. Cần kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại và xem việc phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Cùng với các thành phố lớn, các địa phương đặc biệt là địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu lớn cần thu hút, đưa nhà máu chế biến về các vùng sản xuất dược liệu có quy mô. Cần nghiên cứu, tạo điều kiện để hình thành và phát triển các trung tâm dược liệu lớn.

Từ những quan điểm, định hướng như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ để phát triển cây dược liệu, công nghiệp dược liệu thì nước ta phải có một số chính sách đặc thù. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ liên quan xây dựng cơ chế này.

Bộ Y tế cũng cần chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ liên quan xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu. Chú trọng hơn nữa tới việc bảo tồn các nguồn gene, phát triển các cây thuốc quý hiếm, có tính đặc hữu. Nghiên cứu, để xuất các chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa với các bài thuốc cổ phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại.

Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành cần chọn một số sản phẩm từ dược liệu quý hiếm, đặc hữu (bao gồm cả các loại thuốc cổ truyền) có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển. Coi như sản phẩm quốc gia hoặc áp dụng các chính sách hỗ trợ ưu đãi của sản phẩm quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết giữa 5 nhà là nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà bang. Tạo mỗi liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn để có thể áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ hiện đại vào quá trình nuôi trồng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận các giống cây thuốc, bảo đảm nguồn gene, chất lượng giống. Khẩn trương ban hành bộ quy chuẩn trong nuôi trồng dược liệu…

Về sử dụng dược liệu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đưa việc sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu vào danh mục thuốc bảo hiểm chi trả. Cần có cơ chế đặc thù để thanh toán cho các loại thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu về việc sử dụng dược liệu và khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán để tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng kết hợp đông – tây y trong điều trị tại cơ sở y tế các tuyến. Đưa ra tiêu chuẩn quy đinh về đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền, các sản phẩm sản xuất từ dược liệu trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phải quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ và trách nhiệm, bố trí nhân sự làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Đặc biệt, các địa phương trọng điểm cần phân công nhân sự chuyên trách quản lý về dược liệu. Qua đó, tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất – nhập khẩu, phân phối, lưu thông các loại dược liêu. Đồng thời, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu, đảm bảo chất lượng dược liệu và sản phẩm dược liệu ở thị trường trong nước.

Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có tiềm năng lớn về sản xuất dược liệu cần xây dựng đề án quy hoạch, kế hoặc cụ thể, bố trị diện tích phù hợp để nuôi trồng, phát triển dược liệu. Đặc biệt là các giống đặc hữu, sẵn có của địa phương. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục hành chính, chính sách cho các dự án nuôi trồng dược liệu. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, sau Hội nghị này, với các chính sách và giải pháp phù hợp ngành dược liệu Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ. 

Đánh giá bài viết

Tin mới

Huyệt túc tam lý nằm ở đâu? Cách châm cứu huyệt trị bệnh

12+ Loại Thuốc Đau Bụng Kinh Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay

Những Loại Thuốc Chữa Viêm Hang Vị Dạ Dày An Toàn, Hiệu Quả Nhất

Top 11 bài tập chữa yếu sinh lý nam hiệu quả nhất

Viêm xoang hàm có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Có Nên Bọc Răng Sứ Không? Quy Trình Và Những Điều Bạn Cần Lưu Ý

Quy Trình Bọc Răng Sứ Chuẩn Và Những Điều Bạn Cần Lưu Ý

Top 10+ thuốc chữa đau dạ dày cho trẻ em được chuyên gia đánh giá cao

Các phương pháp chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả cao nhất

Thuốc Chữa Viêm Họng Được Các Chuyên Gia Khuyên Dùng

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?