Thuốc Trị Vảy Nến Hiệu Quả Nhất Được Khuyên Dùng

Cập nhật: 03/04/2024

Có rất nhiều loại thuốc trị vảy nến được dùng ở dạng kem, mỡ bôi, thuốc uống, thuốc tiêm… Sử dụng thuốc chữa vảy nến đúng cách có thể cải thiện nhanh các triệu chứng ngoài da, giảm nguy cơ biến chứng và tái phát. Tuy nhiên, nếu dùng sai cách, thuốc có thể gây tác dụng ngược lại trên cơ thể, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư da và tử vong.

Bệnh vảy nến là một tình trạng tổn thương da dạng mảng, màu đỏ hoặc hơi hồng, có vảy trắng bạc bao phủ, gây khô, ngứa, đau từ nặng đến nhẹ. Đến nay, nguyên nhân cụ thể gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định. Do vậy, các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay chỉ nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng, kiểm soát lan tỏa, ngăn ngừa biến chứng và hạn chế tối đa tần suất tái phát bệnh.

Tùy vào mức độ nặng của bệnh vảy nến mà các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc phù hợp với bạn
Tùy vào mức độ nặng của bệnh vảy nến mà các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc phù hợp với bạn

Vảy nến có thể điều trị bằng các biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Thuốc trị vảy nến luôn là lựa chọn đầu tay do có hiệu quả nhanh, sử dụng tiện lợi, đôi khi tiết kiệm chi phí hơn (so với các phương pháp quang trị liệu.) Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và khả năng chi trả, người bệnh vảy nến có thể được chỉ định những loại thuốc dưới đây:

Vảy nến bôi thuốc gì? Các loại thuốc phổ biến nhất hiện nay

Các loại thuốc bôi chữa bệnh vảy nến thường giải phóng hoạt chất ngay tại vùng da bị tổn thương, tác động tại chỗ và cho hiệu quả giảm ngứa, chống viêm, giảm đau nhanh. Thuốc bôi trị vảy nến thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhẹ hoặc vừa. Với những trường hợp vảy nến nặng hơn, các bác sĩ thường chỉ định thuốc bôi kết hợp với thuốc uống, thuốc tiêm hoặc các liệu pháp ánh sáng khác để nâng cao hiệu quả điều trị.

Các loại thuốc bôi trị vảy nến cho hiệu quả cao, thường được bác sĩ chỉ định gồm:

Thuốc bong sừng, bạt vảy

Nhóm thuốc này thường chứa hoạt chất axit salicylic với các nồng độ 2, 3, 5%. Axit salicylic có tác dụng hỗ trợ làm mềm và bong lớp vảy sừng, giảm triệu chứng khô và bong tróc da. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm ngoài da ở bệnh nhân bị vảy nến. Các loại thuốc bong sừng hiện nay có thể chỉ chứa hoạt chất axit salicylic hoặc dạng kết hợp với các nhóm thuốc khác.

Axit Salicylic có gái thành rẻ, mang lại hiệu quả cải thiện bệnh vảy nến tốt
Axit Salicylic có gái thành rẻ, mang lại hiệu quả cải thiện bệnh vảy nến tốt

Tuy nhiên, sử dụng thuốc chứa axit salicylic trên diện rộng có thể khiến cơ thể hấp thụ quá liều, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cũng có thể bị kích ứng da, phát ban, ngứa ngáy…

Axit salicylic không có tác dụng trên triệu chứng viêm thâm nhiễm nền cứng cộm của bệnh vảy nến. Vì vậy, người bệnh nên tham vấn ý bác sĩ trước khi mua và sử dụng thuốc.

Bị vảy nến bôi thuốc gì – Thuốc corticoid

Đây được coi là một trong những chỉ định đầu tay của các bác sĩ da liễu trong điều trị bệnh vảy nến. Các hoạt chất corticosteroid có tác dụng chống viêm, giảm ngứa, giảm tốc độ hình thành sừng, do đó giúp cải thiện tình trạng bong tróc da.

Các loại thuốc bôi corticoid chữa bệnh vảy nến thường dùng gồm: Flucinar, Eumovate, Tempovate, Diprosone, Lorinden, Sicorten….

Các loại thuốc bôi chứa thành phần corticoid thường được khuyên dùng cho hầu hết các trường hợp vảy nến từ nhẹ đến nặng. Ưu điểm của các corticoid này là cho tác dụng nhanh, mạnh, dễ sử dụng và chi phí phù hợp. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn trên da như bỏng rát, khô, kích ứng, ngứa, ban đỏ, teo da, mỏng da… Nếu lạm dụng corticoid hoặc sử dụng trên diện rộng, người bệnh có thể nhờn thuốc hoặc “bật bóng”, về sau bệnh dễ tái phát hơn với mức độ nặng hơn.

Cách sử dụng corticoid đúng được nhiều chuyên gia hướng dẫn như sau:

  • Nên sử dụng các nhóm corticoid nhẹ và vừa hoặc theo chỉ định của bác sĩ sao cho phù hợp với mức độ nặng của bệnh
  • Bôi 1 đợt khoảng 20 – 30 ngày, sau đó nghỉ một thời gian rồi mới bôi đợt tiếp theo.
  • Có thể bôi xen kẽ đợt này dùng mỡ corticoid, đợt kế tiếp dùng thuốc khác có hiệu quả tương đương.
  • Không bôi thuốc trên diện tích da lớn, bôi kéo dài

Thuốc mỡ Calcipotriol

Hay còn gọi là các dẫn xuất (đồng phân) của vitamin D3. Nhóm thuốc này có tác dụng kích thích quá trình biệt hóa và ức chế sự tăng sinh của tế bào sừng. Đồng thời, thuốc còn ức chế hoạt động của các tế bào lympho T, làm hạn chế các phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, giảm quá trình sừng hóa da.

Thuốc mỡ Calcipotriol thường được sử dụng gồm: Daivonex, Daivobet…

Lưu ý: 

  • Chỉ bôi thuốc trên diện tích da không quá 16% diện tích bề mặt da cơ thể
  • Không bôi thuốc vào vùng mắt
  • Không bôi quá 100g/tuần
  • Thuốc có thể gây tồn đọng canxi tại chỗ, làm thâm và cứng da, do đó người bệnh cần rửa tay ngay sau khi bôi thuốc.
  • Lạm dụng thuốc có thể gây tăng canxi huyết, làm tăng các nguy hại trên tim mạch và thận.

Thuốc bôi Anthralin

Anthralin là một loại thuốc khử oxy, có tác dụng chống viêm, làm chậm quá trình sản xuất quá mức các tế bào sừng, cải thiện tình trạng bong tróc do bệnh vảy nến.

Cơ chế tác điều trị vảy nến của các Anthralin và các dẫn xuất Anthracene là ức chế các enzym chuyển hóa Glucose, cản trở quá trình phân chia tế bào biểu bì da. Thuốc cho hiệu quả nhanh chóng trên da nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Anthralin kết hợp liệu pháp ánh sáng để tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, Anthralin cũng gây ra một số tác dụng phụ tại chỗ như kích ứng, nổi mẩn, ban đỏ… Ngoài ra, thuốc còn có thể làm nhuộm màu quần áo, tay và tóc. Do đó nên mặc quần áo cũ và sử dụng găng tay khi bôi thuốc.

Cách sử dụng Anthralin:

  • Sử dụng Anthralin nồng độ từ 0,1 – 0,3% trong khoảng 10 – 20 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
  • Bôi thuốc 1 – 2 lần/ngày đều đặn trong 2 tuần đầu
  • Các tuần sau, bôi duy trì 2 lần/tuần
  • Không tắm nước nóng sau khi bôi thuốc trong vòng 1 giờ.
  • Không để thuốc dính vào mắt

Các Goudron trị bệnh vảy nến (dẫn xuất than đá)

Goudron là một chất khử oxy có đặc tính chống viêm, làm hạn chế hiện tượng bong sừng do ức chế quá trình tăng sinh tế bào da. Đây là một loại thuốc bôi cổ điển, điều trị vảy nến khá tốt nhưng dễ gây bẩn quần áo và gây viêm nang lông nếu dùng dài ngày.

Goudron được sản xuất dưới dạng thuốc mỡ, kem bôi tại chỗ hoặc dầu gội (nếu là vảy nến da đầu). Mỡ Sabouraud là một dạng chế phẩm chữa vảy nến nổi tiếng có chứa Goudron, axit salicylic, Resorin, diêm sinh…

Thuốc trị vảy nến tại chỗ Retinoids

Retinoids là những dẫn xuất từ vitamin A tổng hợp. Thuốc có tác dụng làm giảm viêm và hỗ trợ điều trị vảy nến theo cơ chế kích thích phân bào và làm mới tế bào biểu bì da, đồng thời kích thích tái tạo mô liên kết, giúp giảm hiện tượng vảy sùng trong bệnh vảy nến. Ngoài vảy nến, retinoids còn được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá, vảy cá và dày sừng quang hóa.

Tác dụng phụ phổ biến nhất người bệnh có thể gặp khi sử dụng Retinoids chữa bệnh vảy nến là kích ứng da và tăng độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Người bệnh nên hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, che chắn da kỹ hoặc sử dụng kem chống nắng khi hoạt động ngoài trời.

Ngoài ra, thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn phát triển ở thai nhi. Do vậy, không sử dụng Retinoids cho phụ nữ có thai, có ý định mang thai hoặc đang cho con bú.

Thuốc ức chế Calcineurin

Hai loại thuốc điển hình của nhóm thuốc này là mỡ Tacrolimus (hàm lượng 0,03% và 0,1%) và kem Pimecrolimus 1%. Hai loại thuốc này được xem là chất điều hòa đáp ứng miễn dịch cục bộ của da

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là tác động lên hệ miễn dịch, ức chế chất hoạt hóa phản ứng viêm Calcineurin, từ đó làm giảm hiện tượng viêm da, ngứa đỏ, phù nề và dày sừng

Các thuốc ức chế Calcineurin thường được chỉ định để điều trị các trường hợp vảy nến ở những vùng da nhạy cảm như da xung quanh mắt. Thuốc được khuyến cáo chỉ sử dụng trong thời gian ngắn vì có thể kích thích sự phát triển các khối u, làm tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch.

Các nhóm thuốc trị vảy nến toàn thân

Trong những trường hợp vảy nến trên diện tích bề mặt da lớn hoặc vảy nến vừa đến nặng, các chuyên gia da liễu có thể cân nhắc sử dụng thuốc bôi kết hợp với một số loại thuốc uống và tiêm. Các loại thuốc trị vảy nến toàn thân này đều có hoạt lực mạnh, gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, việc uống thuốc nào, tiêm thuốc gì trị vảy nến cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các loại thuốc trị vảy nến toàn thân gồm:

Corticoid uống hoặc tiêm

Với những trường hợp vảy nến vừa và nặng hơn, người bệnh có thể được chỉ định một số liều corticoid đường uống hoặc tiêm. Việc sử dụng các steroid điều trị vảy nến cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu dùng thuốc không đúng cách, các corticoid có thể trở thành yếu tố thúc đẩy bệnh vảy nến cùng phát mạnh hơn và nặng hơn.

Một số chuyên gia khuyến cáo không nên dùng corticoid đường toàn thân cho người bệnh vảy nến. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu vẫn chứng minh được hiệu quả của loại thuốc này trong việc cải thiện các triệu chứng vảy nến, giảm viêm, giảm ngứa hiệu quả.

Khi sử dụng corticoid đường toàn thân, người bệnh cần chú ý:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
  • Không tự ý ngừng thuốc đột ngột vì có thể thúc đẩy bệnh vảy nến mủ hoặc vảy nến đỏ da toàn thân, gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp dùng thuốc đột ngột có thể khiến cơ thể không có đủ lượng hormon để nâng đỡ huyết áp, gây hiện tượng ngừng tim đột ngột và tử vong.
  • Không tăng liều gấp đôi hoặc kéo dài thời gian sử dụng thuốc vì có thể gây hiện tượng nhờn thuốc, làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận – cơ quan sản xuất corticoid nội sinh của cơ thể.
  • Dùng thuốc đúng thời gian, vào cùng một thời điểm mỗi ngày theo hướng dẫn.

Thuốc chữa bệnh vảy nến đường uống Retinoid

Cũng giống như dạng bôi ngoài da, các retinoid đường uống là những dẫn xuất tổng hợp của vitamin A, có tác dụng trị liệu cao và ít độc tính hơn vitamin A.

Cơ chế tác dụng của retinoid toàn thân chưa rõ ràng nhưng thuốc có tác dụng điều hòa tăng trưởng và biệt hóa các tế sừng, giảm viêm nhiễm ở các bệnh ngoài da trong đó có vảy nến.

Chỉ định:

  • Vảy nến thông thường diện rộng
  • Viêm khớp vảy nến
  • Vảy nến da đỏ toàn thân
  • Vảy nến mụn mủ

Liều dùng:

  • 10mg/liều/ ngày trong tuần đầu. Mỗi ngày dùng 1 lần
  • Tăng liều 20 -25mg/ ngày trong những tuần tiếp theo để đạt liều tối đa
  • Dùng thuốc với liều duy trì trong 6 – 12 tháng hoặc giảm liều dần theo hướng dẫn để tránh tái phát.

Tác dụng phụ: Các retinoid có thể gây hiện tượng viêm kết mạc, khô mắt, khô da, ngứa, mỏng da, rụng tóc. Thuốc có thể gây hiện tượng quái thai nên không được sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai.

Thuốc ức chế miễn dịch Methotrexate

Methotrexate là một chất đối kháng axit folic, có tác dụng ức chế quá trình tăng sinh tế bào thượng bì trong bệnh vảy nến, chống viêm và làm giảm sản xuất một số chất trung gian gây viêm. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch nhanh và mạnh, gây độc nhiều cho gan và máu.

Methotrexate chỉ được sử dụng trong các trường hợp người bệnh khỏe mạnh trên 50 tuổi, có vảy nến nặng như:

  • Vảy nến thể mảng lan tỏa
  • Viêm khớp vảy nến
  • Vảy nến đỏ da toàn thân
  • Vảy nến diện rộng > 50% diện tích da bề mặt cơ thể

Không sử dụng thuốc cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ hoặc ở những trường hợp vảy nến vừa và nhẹ vì gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thoái hoá hoặc xơ gan, yếu tố thuận lợi cho sẩy thai, quái thai, giảm tinh trùng…

Thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporin A

Cyclosporin A là một vòng polypeptide gồm 11 axit amin có khả năng ức chế miễn dịch chọn lọc, do làm giảm hoạt tính của tế bào lympho T ở cả thượng bì và chân bì vùng da bị tổn thương do vảy nến.

Cyclosporin A là một thuốc ức chế miễn dịch chọn lọc, thường dùng trong ghép tạng
Cyclosporin A là một thuốc ức chế miễn dịch chọn lọc, thường dùng trong ghép tạng

Tượng tự như Methotrexate, Cyclosporin A cũng là một thuốc ức chế miễn dịch có hoạt tính mạnh trong điều trị bệnh vảy nến nhưng gây nhiều tác dụng phụ. Thuốc được khuyến cáo cho các trường hợp vảy nến nặng như vảy nến thể mủ, vảy nến khớp và các trường hợp vảy nến không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Ngoài vảy nến, Cyclosporin A còn thường được sử dụng trong các trường hợp ghép tạng, phòng và điều trị chống thải ghép.

Chống chỉ định:

  • Đang có bệnh ác tính
  • Chức năng thận không bình thường
  • Cao huyết áp không kiểm soát được bằng thuốc
  • Đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch khác, đang xạ trị hoặc hóa trị liệu

Cyclosporin A có thể gây tăng huyết áp, rối loạn chức năng thận, gan, phì đại lợi, gây hội chứng rậm lông, run… Chỉ dùng Cyclosporin A trong thời gian ngắn, không dùng kéo dài.

Các nhóm thuốc trị vảy nến toàn thân khác

Bao gồm những nhóm thuốc điều trị triệu chứng kèm theo trong bệnh vảy nến như:

  • Thuốc kháng sinh, chống nấm
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc kháng Histamin
  • Thuốc tác động lên thần kinh trung ương

Các loại thuốc sinh học chữa vảy nến

Là những chế phẩm được điều chế từ các chất có trong cơ thể các sinh vật sống. Khi tiêm những chất này vào cơ thể người bênh, chúng sẽ hoạt động để cải thiện bệnh vảy nến theo cơ chế:

  •  Ức chế hoạt tính của tế bào Lympho T (một thành phần của hệ miễn dịch)
  • Ức chế chất hoạt truyền tin trong hệ thống miễn dịch (TNF – alpha), làm giảm các phản ứng quá mẫn.
  • Giảm hoạt tính của các protein gây viêm

Các thuốc sinh học được khuyến cáo cho những trường hợp vảy nến từ trung bình đến nặng. Bao gồm:

  • Adalimumab (Humira), một kháng thể ngăn chặn TNF-alpha
  • Adalimumab-adbm (xitezo), một dạng sinh học của Humira
  • Brodalumab (Siliq), một chất chống lại interleukin
  • Infliximab (Remicade), thuốc chẹn TNF-alpha
  • Và một số chất khác
 

Các loại thuốc sinh học là những đột phá mới trong điều trị bệnh vảy nến. Chúng có hiệu quả rất tốt trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh (lên tới 75%). Tuy nhiên, những loại thuốc này khá đắt đỏ và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ung thư và các biến chứng khác, trong đó có tử vong.

Nhìn chung, nền y học hiện đại đã cho ra đời rất nhiều loại thuốc trị vảy nến khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng và phối hợp thuốc khác nhau. Bất kỳ loại thuốc trị vảy nến nào cũng có thể đem lại những nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Do đó, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết nhất để đảm bảo an toàn khi điều trị vảy nến. Liên hệ ngay với chuyên gia nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc.

Nguồn tham khảo: https://vienyduocdantoc.org.vn/benh-ly/vay-nen (Viện y dược cổ truyền dân tộc)

Nhóm bệnh
 

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC