Viêm Amidan Là Gì? Nguyên Nhân, Cách Điều Trị Và Phòng Ngừa 

Viêm amidan là một căn bệnh thường gặp của đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự tấn công ồ ạt của vi khuẩn hoặc virus khiến amidan không thể chống đỡ lại, từ đó dẫn đến viêm nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Bài viết sau đây Đông Y Việt Nam sẽ gửi tới bạn đọc những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Viêm amidan là gì?

Amidan chính là hai hạch bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng. Đây một bộ phận quan trọng giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong trường hợp các loại vi khuẩn, virus tấn công với số lượng lớn, kết hợp với sự suy giảm của hệ miễn dịch sẽ khiến amidan không đủ sức chống chọi, dẫn đến bị viêm nhiễm.

Viêm amidan là một bệnh lý phổ biến mà bất kỳ ai cũng từng mắc ít nhất một lần. Bệnh có các triệu chứng khá điển hình, dễ chẩn đoán. Thông thường bệnh sẽ kéo dài trong vòng 7-10 ngày. Nếu được điều trị tốt thì bệnh sẽ nhanh khỏi và ngược lại. 

Viêm amidan là một bệnh lý phổ biến mà bất kỳ ai cũng từng mắc ít nhất một lần
Viêm amidan là một bệnh lý phổ biến mà bất kỳ ai cũng từng mắc ít nhất một lần

Các mầm bệnh gây viêm amidan chủ yếu là liên cầu khuẩn Streptococcal. Chúng có thể lây lan sang những bộ phận khác và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. 

Viêm amidan được chia thành 2 loại đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mãn tính:

  • Viêm amidan cấp tính: Là tình trạng amidan bị sung huyết hoặc viêm mủ. Trường hợp này có thể kéo dài từ 3-14 ngày. Nếu bệnh do virus gây ra thì sẽ nhẹ và nhanh khỏi, còn do vi khuẩn thì thường nặng hơn.
  • Viêm amidan mạn tính: Là hiện tượng viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm. Tùy vào mức độ viêm nhiễm, độ tuổi và phản ứng của cơ thể mà amidan có thể quá phát hoặc xơ teo.

Triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu của bệnh viêm amidan rất rõ ràng, người bệnh có thể nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng điển hình như sau:

  • Đau rát cổ họng.
  • Amidan sưng to, có thể quan sát bằng mắt thường.
  • Trên amidan xuất hiện lớp dịch màu trắng, các vết phồng rộp hoặc vết loét.
  • Đau đầu, mệt mỏi. 
  • Ăn không ngon, khó nuốt.
  • Đau tai.
  • Nổi hạch ở cổ hoặc hàm.
  • Sốt 38-39 độ C, ớn lạnh.
  • Hôi miệng.
  • Khàn giọng, khó nói.
  • Cứng cổ.
  • Ho khan, ho có đờm.
  • Tiểu tiện ít, sẫm màu, táo bón.

Đối với trẻ nhỏ có thể gặp phải một số các triệu chứng như:

  • Khó chịu tại đường tiêu hóa.
  • Không chịu ăn, biếng ăn.
  • Nôn mửa.
  • Đau bụng.
  • Chảy nước dãi.
  • Quấy khóc.

Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm amdian, trong đó chủ yếu là do vi khuẩn và virus gây ra. 

Do vi khuẩn

Liên cầu khuẩn Streptococcal, liên cầu beta tan huyết nhóm A, haemophilus influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn… được xem là những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm amidan. Có khoảng 15-30% nguyên nhân gây viêm amidan là do vi khuẩn. Bệnh thường kéo dài dai dẳng và rất dễ biến chứng nếu không được điều trị cẩn thận.

Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm amidan
Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm amidan

Do virus

Phần lớn các trường hợp bị viêm amidan là do virus gây nên. Một số loại virus phổ biến phải kể đến như virus cúm, Adenovirus, Rhinovirus, Parainfluenza, Herpes simplex, Epstein-Barr, virus hợp bào hô hấp… Bệnh do virus gây ra thường có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi và ít gây biến chứng.

Nguyên nhân khác: Bệnh viêm amidan cũng có thể hình thành do các yếu tố thuận lợi như: 

  • Vệ sinh răng miệng, vòm họng không sạch sẽ.
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại, có nhiều khói bụi.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột.
  • Người bệnh có dị tật ở cổ họng.
  • Bệnh nhân ăn nhiều thực phẩm lạnh.
  • Do sức đề kháng yếu.
  • Đối tượng đang bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, cúm, cảm lạnh, viêm VA, viêm mũi,… 

Biến chứng viêm amidan 

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, đa phần các trường hợp bị viêm amidan đều không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tác nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn nhóm A, kết hợp với việc điều trị không đúng cách thì nguy cơ người bệnh bị biến chứng là rất cao.

Dưới đây là những biến chứng viêm amidan thường gặp người bệnh cần hết sức lưu ý:

  • Sốt tinh hồng nhiệt: Người bệnh có dấu hiệu sốt cao trên 38 độ C, nổi ban đỏ toàn thân (không ngứa), lưỡi dâu, nổi hạch ở cổ và đau khớp. Các triệu chứng này sẽ kéo dài trên 1 tuần.
  • Áp xe quanh amidan: Bệnh viêm amidan kéo dài dai dẳng có thể tiến triển thành viêm mô tế bào amidan. Tình trạng này có thể gây tích tụ mủ tại amidan, gọi là áp xe quanh amidan. Biến chứng này sẽ lan nhanh vào vùng hầu họng dẫn đến hoại tử. Khi đó, người bệnh sẽ cần điều trị bằng các biện pháp như cắt amidan và phẫu thuật dẫn lưu áp xe….
  • Viêm cầu thận cấp tính: Có khoảng 10-15% trường hợp bị biến chứng viêm cầu thận cấp tính. Bệnh thường xảy ra sau 1-2 tuần bị viêm amidan do liên cầu khuẩn có Serotype 12. Người bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng đó là phù, tăng huyết áp, giảm protein huyết, nồng độ bổ thể thấp, tăng chất chỉ điểm viêm. Trong khoảng 470.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu, có khoảng 5.000 trường hợp tử vong. Vì vậy người bệnh cần thăm khám từ sớm để phát hiện tổn thương thận cận lâm sàng.
  • Sốt thấp khớp: Đây là một bệnh lý miễn dịch xảy ra sau 2-4 tuần bị viêm amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Biến chứng này thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5-18 tuổi và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các bệnh như: Bệnh viêm khớp, viêm tim, chứng múa giật Sydenham.
  • Viêm khớp nhiễm trùng: Đây là biến chứng nhiễm trùng gây đau khớp. Nguyên nhân là bởi vi trùng xâm nhập vào máu, theo dòng máu đi đến phần sụn khớp.
  • Hội chứng Lemierre: Người bệnh bị viêm amidan do vi khuẩn Fusobacterium gutrophorum hoặc một số vi khuẩn kỵ khí khác sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng này. Các tĩnh mạch bên trong amidan và tĩnh mạch cảnh trong sẽ xuất hiện các cục huyết khối. Chúng có thể di chuyển tới tim và phổi, gây thuyên tắc phổi. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu nhận biết như đau dữ dội vùng ngực, khó thở, ho ra máu.
  • Nhiễm trùng tai: Nhiễm trùng tai hay còn gọi là viêm tai giữa cấp thứ phát là biến chứng phổ biến. Nguyên nhân là bởi tai mũi họng là các bộ phận có liên quan đến nhau. Khi amidan bị viêm, tất cả các mô bạch huyết cũng sẽ viêm phì đại, dịch viêm từ amidan sẽ theo vòi nhĩ lên hòm nhĩ, gây tắc nghẽn vòi nhĩ và viêm tai giữa.
  • Ngưng thở khi ngủ: Biến chứng này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến giấc ngủ kém chất lượng, gây mệt mỏi vào ban ngày. Đồng thời nó cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tỷ lệ tử vong cao.
Viêm amidan có thể gây gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm amidan có thể gây gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Điều trị viêm amidan

Để điều trị viêm amidan hiệu quả, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định rõ nguyên nhân gây bệnh là gì. Sau khi chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng. 

Dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và tình trạng sức khỏe của bản thân, bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp điều trị như sau:

Mẹo dân gian

Điều trị bệnh bằng mẹo dân gian thường được khuyến khích dùng cho những đối tượng như: Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người cao tuổi, người mới chớm bị bệnh, bị dị ứng với các loại thuốc tân dược,…. Bởi các bài thuốc này đều rất an toàn, lành tính, sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên mà hiệu quả mang lại cũng rất tích cực.

Rau diếp cá

Theo Đông y, rau diếp cá có vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng. Còn theo Y học hiện đại, trong thành phần của rau diếp cá có chứa nhiều thành phần dược chất như dẫn xuất 3-oxododecana, decanoyl-acetaldehyd. Chúng có tác dụng giúp kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm ho, long đờm hiệu quả. Vì vậy dân gian thường dùng rau diếp cá để điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,…

  • Chuẩn bị 1 nắm rau diếp cá tươi, 1 ít muối hạt.
  • Rau diếp cá rửa sạch, ngâm với nước muối loãng để sát khuẩn trong 10 phút.
  • Cho rau diếp cá vào cối giã nát với muối hạt.
  • Cho thêm một ít nước đun sôi để nguội vào.
  • Khuấy đều rồi lọc bỏ bã và uống hết trong ngày.
  • Mỗi ngày dùng 2 lần cho đến khi tình trạng viêm amidan được cải thiện.

Lá húng chanh

Húng chanh là một thảo dược khá phổ biến và thường được dân gian sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Bởi tỏng thành phần của lá húng chanh có chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất cavaron, giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, trừ ho. Từ đó giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh viêm amidan gây ra.

  • Chuẩn bị một vài lá húng chanh, rửa sạch và ngâm với nước muối trong 10 phút.
  • Cuộn một ít muối hạt vào lá húng chanh sau đó nhai từ từ rồi nuốt.
  • Thực hiện từ 2-3 lần/ngày.
  • Sau khoảng 1 tuần các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện.
Lá húng chanh hỗ trợ điều trị viêm amidan
Lá húng chanh hỗ trợ điều trị viêm amidan

Cây rẻ quạt

Theo Y học cổ truyền, cây rẻ quạt có vị đắng, tính hàn, hơi độc, tác động vào hai kinh can và phế, giúp thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu sưng, trừ đờm. Còn theo Y học hiện đại, trong thành phần của cây rẻ quạt có chứa hoạt chất Glucozit, có khả năng kháng viêm, chống nấm, diệt virus. Vì vậy người bệnh có thể sử dụng dược liệu này để điều trị các bệnh như viêm amidan, viêm họng hạt, ho có đờm,…

  • Lấy phần rễ cây rẻ quạt rửa sạch, phơi khô.
  • Sắc với nước uống từ 2 đến 3 lần/ngày.
  • Thực hiện đều đặn trong nhiều ngày các triệu chứng viêm amidan sẽ biến mất hoàn toàn.

Mật ong

Mật ong là nguyên liệu được dùng phổ biến để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Trong thành phần của mật ong có chứa chất chống oxy hóa và nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Những chất này có tác dụng tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau rát và làm dịu cổ họng. Đồng thời hỗ trợ chữa lành những tổn thương tại đường hô hấp.

  • Pha 2 thìa mật ong vào 200ml nước 50 độ C.
  • Khuấy đều sau đó cho thêm 1 thìa nước cốt chanh vào.
  • Nhâm nhi mỗi ngày 1-2 cốc.
  • Thực hiện đều đặn trong nhiều ngày tình trạng viêm amidan của bạn sẽ được cải thiện.

Điều trị theo Tây y

Sử dụng thuốc Tây y điều trị viêm amidan là một phương pháp được nhiều người áp dụng. Thuốc Tây y mang đến tác dụng nhanh và hiệu quả. Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định dùng phổ biến như:

Nước súc miệng sát khuẩn

Nước súc miệng sát khuẩn được sử dụng cho những trường hợp bị viêm amidan do vi khuẩn gây ra. Trong thành phần của các loại dung dịch này có chứa nhiều Povidon-Iod hoặc Chlorhexidine, làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn, giảm viêm nhiễm. Từ đó hỗ trợ giảm ho, cải thiện tình trạng đau rát họng, hôi miệng. Người bệnh cần súc miệng mỗi ngày ít nhất 2 lần vào buổi sáng và tối để làm sạch khoang miệng và vùng hầu họng.

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, hạ thân nhiệt và chống tập kết tiểu cầu. Trong đó có hai loại thuốc được dùng phổ biến đó là Paracetamol và Aspirin. Thuốc Paracetamol có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng. Trong khi đó thuốc Aspirin có nhiều tác dụng phụ hơn nên không được dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.  

Thuốc hạ sốt, giảm đau giúp cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh
Thuốc hạ sốt, giảm đau giúp cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh

Thuốc kháng sinh

Trường hợp người bệnh bị viêm amidan do vi khuẩn sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc điều trị triệu chứng khác. Các loại thuốc kháng sinh được ưu tiên sử dụng đó là Cephalosporin và Penicillin. Người bệnh cần dùng thuốc liên tục trong 7-10 ngày với liều lượng do bác sĩ quy định. Tuyệt đối không được tự ý tăng giảm liều khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa. 

Thuốc chống viêm giảm phù nề

Thuốc chống viêm giảm phù nề bao gồm các loại thuốc dạng men, thuốc uống chứa Corticoid và thuốc NSAID. Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt, chống phù nề hiệu quả. Tuy nhiên những loại thuốc này đều có dược tính cực mạnh nên cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải tác dụng phụ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính hoặc có dấu hiệu áp xe amidan. Cắt amidan nhằm loại bỏ ổ viêm trong cổ họng, tránh để bệnh tái phát và gây biến chứng nguy hiểm. Thủ thuật này được thực hiện khá đơn giản, thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 30 phút. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt gặp phải biến chứng sau phẫu thuật như: Thay đổi giọng nói, nhiễm trùng hoặc chảy máu tại vị trí cắt.

Dùng thuốc Đông y

Việc điều trị viêm amidan bằng thuốc Đông y không quá phổ biến bởi cách sắc thuốc cầu kỳ, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên nó cũng mang lại những lợi ích đáng kể như: An toàn, lành tính, tác dụng vào căn nguyên gốc rễ, bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tái phát. 

Bài thuốc 1:

  • Chuẩn bị: 16g huyền sâm, 12g đại liên tử, 12g á thực, 5g bạc hà, 16g kim ngân hoa, 12g toái cốt tử, 5g kinh giới, 6g bạch dược, 6g cát cánh, 8g cam thảo.
  • Cách thực hiện: Đem sắc các nguyên liệu trên với 800ml nước. Đun sôi nhỏ lửa cho đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Gạn lấy nước thuốc để uống mỗi ngày từ 2-3 lần, nên uống hết trong ngày.

Bài thuốc 2: 

  • Chuẩn bị: 16g kim ngân hoa, 16g cây cỏ mực, 12g sinh địa, 12g sơn đậu căn, 16g diếp hoang, 8g bạc hà, 6g ô phiến, 6g cát cánh, 8g ngưu bàng tử.
  • Cách thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch và sắc với 700ml nước. Tiếp tục đun cho đến khi cạn còn 200ml. Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau và uống vào buổi sáng, trưa, tối. Mỗi ngày bạn uống 1 thang cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Thuốc Đông y cũng được nhiều người sử dụng
Thuốc Đông y cũng được nhiều người sử dụng

Bài thuốc 3: 

  • Chuẩn bị: 40g bằng thạch sống, 16g huyền sâm, 16g kim ngân hoa, 12g hủ trường, 12g đạm trúc diệp, 8g bạch dược, 12g chi tử, 4g bạc hà, 8g quốc lão, 4g hoàng liên.
  • Cách thực hiện: Nấu bằng thạch vào ấm với 500ml nước. Sau 10 phút thì bạn tiếp tục cho thêm các dược liệu khác vào (trừ bạc hà). Khi nước thuốc cô đặc lại còn 1 nửa thì tiếp tục cho bạc hà vào và đun thêm 10 phút nữa. Chia nước thuốc thành 3 phần rồi uống hết.

Bài thuốc 4: 

  • Chuẩn bị: 24g thục chi, 16 đảng sâm, 12g châu ma, 12g sơn giới, 12g sài hồ, 10 đương quy, 10g kim ngân hoa, 10g đỗ phụ, 8g hoàng quyết, 8g quốc lão và 8g liên kiều.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch rất cả dược liệu, sau đó cho vào ấm sắc với 800ml nước. Sắc thuốc cho đến khi nước cô đặc còn 200ml thì tắt bếp, lọc bỏ bã, lấy nước chia ra làm 3 phần và uống hết trong ngày.

Các thắc mắc liên quan

Dưới đây là một số câu hỏi về bệnh viêm amidan giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này:

Viêm amidan cần ăn gì, kiêng gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh viêm amidan. Dưới đây là những loại thực phẩm người bệnh viêm amidan nên và không nên sử dụng:

Thực phẩm nên dùng: 

  • Thức ăn mềm, dễ nuốt: Cháo, súp, canh, ngũ cốc, sinh tố, các món hầm….
  • Các loại trái cây giàu vitamin C: Ổi, cam, quýt, dâu tây, lựu, bưởi, thanh long… 
  • Thực phẩm chứa tính kháng viêm: Mật ong, nghệ, tỏi, gừng, dầu oliu, trà hoa cúc,…
  • Các loại rau xanh: Rau bina, mồng tơi, rau khoai, rau đay, bắp cải…
  • Các thực phẩm giàu đạm: Ức gà, súp lơ, khoai lang, các loại hạt, chuối…

Thực phẩm không nên dùng:

  • Thực phẩm cứng, khó nhai: Thịt quay, thịt chiên, bánh kẹo cứng,…
  • Đồ chiên rán, dầu mỡ: Khoai tây chiên, tôm chiên, ngô chiên, thịt rán, thịt nướng…
  • Đồ cay nóng: Tỏi, ớt, sa tế, hạt tiêu….
  • Đồ ăn lạnh: Kem, trà sữa, nước đá,…

Khi nào cần cắt amidan?

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp. Nếu người bệnh đã sử dụng thuốc Tây y, Đông y nhưng không có hiệu quả, bệnh ngày càng trở nặng và tái phát nhiều lần thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan. Có thể nói, cắt amidan là biện pháp cuối cùng sau khi các biện pháp điều trị khác không có tác dụng.

Viêm amidan được chỉ định cắt trong trường hợp có dấu hiệu áp xe
Viêm amidan được chỉ định cắt trong trường hợp có dấu hiệu áp xe

Viêm amidan có lây không?

Bản thân bệnh viêm amidan không có tính lây lan nhưng các virus và vi khuẩn gây bệnh có thể lây từ người này sang người khác thông qua nhiều con đường khác nhau như ho hoặc hắt hơi. Do đó, để ngăn chặn đường lây của bệnh, bạn cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với những người bệnh, không dùng chung đồ dùng cá nhân,…

Khi nào người bệnh viêm amidan cần đến bệnh viện?

Phần lớn trường hợp, viêm amidan đều tự khỏi, người bệnh chỉ cần chăm sóc và theo dõi triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên nếu gặp phải các dấu hiệu sau, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra: 

  • Cơn đau họng ngày càng tăng.
  • Cảm giác khó nói, khó nuốt.
  • Miệng tiết nhiều nước bọt.
  • Cứng hàm.
  • Nổi hạch, biến dạng vùng mặt.
  • Sốt cao, sốt kéo dài.
  • Cơ thể mệt mỏi suy nhược,… 

Phòng ngừa bệnh hiệu quả

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm amidan bạn có thể thực hiện:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng và súc miệng với nước muối loãng ít nhất 2 lần/ngày.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết, mỗi ngày cần uống đủ 2-2,5 lít nước.
  • Mặc quần áo ấm khi thời tiết trở lạnh.
  • Cần đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài để hạn chế vi khuẩn và bụi bẩn tấn công.
  • Hạn chế nói to hoặc nói nhiều.
  • Giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên giặt giũ chăn màn, gối đệm để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc,…
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm vi khuẩn và virus gây bệnh.
  • Cần hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng như khói, nước hóa chất, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật…
  • Không hút thuốc lá đồng thời cũng tránh hít phải khói thuốc một cách thụ động.
  • Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác như bát, đũa, bàn chải đánh răng, cốc,…
  • Tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin phòng ngừa các loại virus gây bệnh truyền nhiễm.

Bài viết trên cung cấp một số thông tin về bệnh viêm amidan. Đây là một căn bệnh phổ biến nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và tiềm ẩn các biến chứng nguy hiểm. Do đó người bệnh ngay khi phát hiện các biến chứng bất thường của sức khỏe hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị kịp thời.

5/5 - (2 bình chọn)

THÔNG TIN HỮU ÍCH:

Tin mới

Giá mổ nội soi sỏi thận là bao nhiêu? Nên mổ ở đâu uy tín nhất

Các cách chữa viêm đa khớp an toàn, nhanh chóng

Mổ Hở Lấy Sỏi Thận Là Phương Pháp Gì? Có Ưu Nhược Điểm Nào?

Biến Chứng Sau Mổ Sỏi Thận Nguy Hiểm Ra Sao? Lưu Ý Gì Sau Mổ?

TOP 10+ loại thuốc chữa viêm đa khớp tốt nhất 2020

Chi Phí Tán Sỏi Thận Qua Da Có Đắt Không? Địa Chỉ Tán Sỏi Uy Tín

Chụp X-quang Sỏi Thận Là Gì? Các Phương Pháp Chụp Thường Dùng

Thuốc Sỏi Thận Nhật Bản: Top 5 Loại Thuốc Đặc Trị Siêu Hiệu Quả

Thuốc Trị Sỏi Thận Của Mỹ: Top 4 Thuốc An Toàn, Hiệu Quả Cao

Mổ Sỏi Thận Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Tránh Biến Chứng Nguy Hiểm?

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?