Nổi Mẩn Đỏ Có Phải Là Bệnh Lý? Làm Sao Để Xử Lý Hiệu Quả?

Cập nhật: 09/04/2024

Nổi mẩn đỏ, còn được gọi là mẩn đỏ, là một triệu chứng da thường gặp và có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Đây là một tình trạng trong đó da bị tổn thương và trở nên mẩn đỏ, có thể đi kèm với ngứa, sưng, hoặc các triệu chứng khác. Nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hoặc phản ứng dị ứng.

Hiện tượng nổi mẩn đỏ là gì?

Nổi mẩn đỏ là một hiện tượng trên da thường thấy ở những ai có cơ địa nhạy cảm. Mẩn đỏ xuất hiện trên da có thể có hoặc không kèm cảm giác ngứa ngáy.

Thông thường, các mẩn đỏ nổi trên da sau khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường như lông động vật, bụi bặm, phấn hoa, mỹ phẩm, quần áo, chất tẩy rửa… hoặc côn trùng đốt (ong, kiến).

bi-noi-man-do
hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da

Theo bác sĩ Lê Phương – Giám đốc chuyên môn Tổ hợp y tế Cổ truyền biện chứng Quân dân 102: “Ở mức độ nhẹ, tình trạng này có thể biến mất chỉ sau vài giờ nhưng nếu cơ thể phản ứng quá mạnh với các dị nguyên, hệ thống đề kháng nhầm lẫn mà bị kích ứng mạnh sẽ làm mức độ nổi mẩn đỏ trở nên nghiêm trọng hơn”. 

Theo đó, để đánh giá sơ bộ mức độ nổi mẩn đỏ là nhẹ hay nặng, người bệnh có thể căn cứ vào các triệu chứng dưới đây:

  • Mức độ nhẹ: Mẩn đỏ xuất hiện lác đác, biến mất sau khoảng 3-4 giờ.
  • Mức độ nặng: Vùng mẩn đỏ lan rộng, da không chỉ nổi mẩn mà còn có mụn, mủ, người bệnh có cảm giác ngứa ngáy đồng thời có thể có biểu hiện khó thở, tức ngực, người mệt mỏi, thậm chí có thể ngất xỉu.

Căn cứ vào triệu chứng nổi mẩn đỏ mà người bệnh xác định phương pháp điều trị thích hợp, tránh chủ quan coi thường khiến bệnh chuyển biến nhanh chóng, đe dọa tới tính mạng.

Nổi mẩn đỏ là biểu hiện của bệnh gì?

Tương ứng với từng mức độ biểu hiện của tình trạng nổi mẩn đỏ mà chúng ta có thể đoán biết được nguyên nhân từ đó xác định phương hướng chữa trị thích hợp nhất.

Vậy nổi mẩn đỏ có thể là biểu hiện của bệnh gì?

Dị ứng

Dị ứng chính là một nguyên nhân mấu chốt khiến da nổi mẩn đỏ. Người bệnh có thể bị dị ứng thời tiết, dị ứng mỹ phẩm, dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc…

Khi cơ thể bị dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh ra một lượng histamin gây nổi mẩn ngứa và .

Nổi mề đay

Bệnh lý nổi mề đay khiến da nổi nhiều nốt mẩn đỏ hoặc các lằn nhìn rõ trên da. Kích thước mỗi nốt mề đay có thể to nhỏ khác nhau, nằm rải rác tại các vùng trên cơ thể hoặc tập trung tại vùng lưng, bụng hoặc bắp tay, bắp chân.

Ngay khi có tác động từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là sự thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến da nổi mề đay.

Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn. Khi mắc căn bệnh này, hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và đánh giá mô của cơ thể là “kẻ tấn công” nên sản sinh ra kháng thể chống lại.

Một trong những triệu chứng tiêu biểu của căn bệnh này là các ban đỏ nổi trên da. Theo số liệu thống kê, có tới ¾ bệnh nhân mắc lupus ban đỏ thấy các mẩn đỏ xuất hiện trên da.

Rôm sảy

Trong thời tiết nắng nóng, trên da sẽ nổi lên những mẩn đỏ. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ em trong mùa hè.

Nguyên nhân là do trời nóng, nhiệt độ cao, mồ hôi đổ ra nhiều kết hợp với bụi bẩn, ghét gây bít tắc lỗ chân lông từ đó khiến da bị viêm đỏ.

Hiện tượng rôm sảy có thể biến mất nếu thời tiết trở nên mát mẻ nên chúng ta không nên quá lo lắng.

Viêm da tiết bã

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những nốt mẩn đỏ trên da. Bên cạnh các ban đỏ, khi bị viêm da tiết bã, người bệnh còn có thể thấy lượng dầu trên da tăng lên đáng kể hoặc có các vảy màu trắng rất dễ bong tróc.

Căn bệnh này thường là mãn tính nên quá trình điều trị chỉ nhằm mục đích ngăn chặn triệu chứng và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người bệnh.

Viêm da cơ địa

Trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc viêm da cơ địa – một căn bệnh da liễu phổ biến. Ngay từ khi sinh ra, nhiều trẻ em đã mắc căn bệnh này và sống chung với bệnh tới khi trưởng thành.

Không chỉ có những nốt đỏ trên da mà viêm da cơ địa còn có triệu chứng đặc trưng là ngứa ngáy, da khô nứt nẻ và có hiện tượng dày sừng, da bong tróc.

Viêm nang lông

Lỗ chân lông bị bít tắc do lượng dầu, bụi bẩn quá nhiều là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi và phát triển. Điều này dẫn tới tình trạng viêm nang lông. Theo đó, những nang lông mắc bệnh sẽ sưng đỏ tạo nên các nốt mẩn đỏ trên da.

Nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời, tại các nang lông bị viêm sẽ xuất hiện mụn đầu trắng cùng cảm giác đau nhức.

Vảy nến

Vảy nến cũng là một căn bệnh da liễu mãn tính mà người bệnh xác định phải chung sống cả đời. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định tuy nhiên sự rối loạn của hệ thống miễn dịch được coi là tác động chính.

Có rất nhiều dạng vảy nến khác nhau nhưng vảy nến thể đỏ da là dạng bệnh có đặc trưng là những nốt mẩn đỏ ở một vùng da hoặc lan ra toàn bộ cơ thể.

Nhiễm virus siêu vi

Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây sốt cao, mệt mỏi và kèm hiện tượng phát ban, nổi mẩn đỏ.

Căn bệnh này có thể tự khỏi sau 3 ngày tới một tuần. Nhưng nếu không tiến hành điều trị và ngăn chặn các triệu chứng thì bệnh có thể gây ra những tổn thương tới hệ hô hấp và tiêu hóa.

Zona thần kinh

Zona thần kinh là căn bệnh do virus Varicella zoster gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus thường trú ngụ trong các dây thần kinh và hạch thần kinh.

Triệu chứng của bệnh là các nốt mẩn đỏ trên da kèm cảm giác ngứa ngáy và nóng rát.

Nhiễm giun, sán

Giun, sán xâm nhập cơ thể thông qua da hoặc đường tiêu hóa. Không chỉ lấy đi các chất dinh dưỡng mà cơ thể thu nạp thông qua thức ăn hàng ngày mà giun sán còn khiến trên da xuất hiện các đám mẩn đỏ.

Do đó, chúng ta nên tẩy giun 6 tháng một lần. Đặc biệt là với trẻ nhỏ – đối tượng dễ bị nhiễm giun, sán do hay nghịch bẩn trên nền đất rồi đưa tay vào miệng.

Bệnh lý về gan

Gan là một bộ phận đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi gan gặp vấn đế, mắc phải các bệnh lý như viêm gan, suy gan hay ung thư gan thì hoạt động đào thải cũng bị ảnh hưởng.

Kéo theo đó là tình trạng chất độc ứ đọng, tích tụ lâu trong cơ thể dần dần phát tác ra ngoài. Một trong những biểu hiện đặc trưng khi gan có vấn đề là da nổi mụn, mẩn đỏ hoặc thâm sạm.

Bệnh lý về thận

Cũng như gan, thận là một cơ quan bài tiết quan trọng của con người. Theo đó, thận lọc bỏ chất thải có trong máu và tống ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu.

Mỗi giờ, hai quả thận phải tiến hành lọc khoảng 180 lít máu. Vì vậy, khi mắc bệnh về thận như suy thận, viêm thận, lượng độc tố sẽ tích lại và theo máu đi khắp cơ thể. Điều này khiến trên da xuất hiện các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy và mụn nước.

Bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp là một bộ phận sản sinh ra hormone quan trọng của cơ thể. Khi tuyến giáp bị rối loạn (suy giáp hoặc cường giáp), nội tiết tố trong cơ thể sẽ mất cân bằng.

Tác hại là da bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xuất hiện các nốt mẩn đỏ, trở nên khô ráp, ngứa ngáy và đau nhức.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da còn là do người bệnh vệ sinh da không sạch sẽ hàng ngày.

Cụ thể, da luôn tiết ra một lượng chất nhờn nhất định để duy trì độ ẩm cần thiết. Nếu bạn sử dụng kem chống nắng, mỹ phẩm hay tiếp xúc với môi trường khói bụi, ánh nắng mặt trời thường xuyên mà không tẩy trang sạch sẽ, không bảo vệ da cẩn thận thì lỗ chân lông sẽ bị bít tắc gây viêm, da bị tổn thương và nổi mẩn đỏ báo hiệu đang có vấn đề.

Có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nổi mẩn đỏ trên da. Người bệnh cần xác định chính xác căn nguyên dẫn tới hiện tượng nổi mẩn để tiến hành điều trị một cách hiệu quả.

Khi nào bị nổi mẩn đỏ cần đi khám bác sĩ?

Nổi mẩn đỏ ở dạng nhẹ, các nốt mẩn xuất hiện rải rác và không kèm các triệu chứng bất thường khác thì bạn có thể yên tâm theo dõi thêm. Tuy nhiên nếu phát hiện các biểu hiện dưới đây thì bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:

  • Các nốt mẩn đỏ lan rộng, thậm chí là khắp cơ thể.
  • Có cảm giác ngứa ngáy, đau rát, nhức nhối tại các vùng da nổi mẩn đỏ.
  • Khó thở, chóng mặt, đau đầu hay ngất xỉu.
  • Ăn uống không ngon miệng, sụt cân nhanh bất thường.
  • Các biểu hiện ngày càng trầm trọng ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống sinh hoạt và học tập của người bệnh.

Nếu thấy một trong những dấu hiệu kể trên đi kèm với nổi mẩn đỏ trên da thì cần tới bác sĩ để thăm khám ngay.

Điều trị nổi mẩn đỏ như thế nào?

Sau khi xác định nguyên nhân, mức độ nổi mẩn đỏ thì chúng ta sẽ định hướng được phương hướng điều trị nào thích hợp nhất.

Mẹo dân gian trị nổi mẩn đỏ

Nếu mẩn đỏ xuất hiện rải rác, chỉ có ở trên da mà không có các biểu hiện khác thì người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian để điều trị.

  • Nước muối: Pha loãng nước muối hoặc dùng nước muối sinh lý vệ sinh vùng da bị nổi mẩn đỏ hàng ngày.
  • Tắm nước mát: Loại bỏ bụi bẩn giúp lỗ chân lông thông thoáng và xoa dịu da.
  • Nha đam: Dùng trực tiếp nhựa nha đam (lô hội) bôi vào vùng da bị kích ứng.
  • Yến mạch: Trộn hỗn hợp bột yến mạch với mật ong rồi đắp lên da.
  • Sữa chua: Lấy sữa chua thoa lên vùng da nổi mẩn, có thể kết hợp massage cho da sạch và dễ chịu hơn.
  • Lá khế: Nấu nước lá khế để ngâm rửa hoặc tắm toàn thân.
  • Lá tía tô: Xay nhuyễn lá tía tô rồi đun nước uống.
  • Lá rau má: Rửa sạch, xay lấy nước rau má uống hàng ngày.

Ngoài các mẹo kể trên, người bệnh còn có thể trị mẩn đỏ bằng nghệ, mật ong và lá trà xanh. Lưu ý quan trọng là cần phải rửa sạch vùng da bị nổi mẩn trước và sau khi thoa các hỗn hợp.

Thuốc Tây y trị nổi mẩn đỏ

Với cơ chế ngăn chặn hoặc giảm thiểu quá trình sản sinh histamin (chất gây nổi mẩn ngoài da) vào trong máu, các loại thuốc Tây y sẽ nhanh chóng giải quyết dấu hiệu này.

  • Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này sẽ ngăn chặn quá trình tác động của histamin lên thụ thể H1 gây ra triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da. Một số biệt dược tiêu biểu của nhóm này là: Clorpheniramin, Loratadin, Cetirizin…
  • Thuốc chứa corticosteroid: Công dụng trị ngứa, chống viêm tại vùng da bị tổn thương tuy nhiên không nên dùng trong thời gian dài vì có thể gây mỏng da, teo da. Những thuốc corticosteroid phổ biến có thể kể đến là: Hydrocortisone, Betamethasone, Triamcinolone acetonide…
  • Kem trị ngứa: Đây đều là những sản phẩm có công dụng trị ngứa, mẩn đỏ, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trên da. Một số sản phẩm tiêu biểu là: Kem Kobayashi Apitoberu (Nhật Bản), kem đa năng đu đủ Lucas Papaw Ointment (Úc), kem Belosalic (Nga)…

Bài thuốc Đông y

Để điều trị nổi mẩn đỏ, người bệnh cũng có thể lựa chọn điều trị theo các bài thuốc Đông y. Bằng việc phối kết hợp các vị thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên, các bài thuốc sẽ giải quyết căn nguyên gây bệnh, lấy lại cân bằng trong cơ thể, hỗ trợ hoạt động của lục phủ ngũ tạng từ đó đào thải độc tố, giảm thiểu các , sưng viêm.

Một số vị thuốc thường được thấy trong các bài thuốc Đông y trị nổi mẩn đỏ là: Huyền sâm, đương quy, kim ngân, phòng phong, bạch thược, tang ký sinh, kim ngân hoa… Sau khi xác định mức độ nổi mẩn đỏ của người bệnh, lương y sẽ tiến hành bốc thuốc, gia giảm các thành phần sao cho phù hợp với thể trạng, tình trạng của bệnh nhân.

cay-phong-phong-tri-noi-man-do
cây phòng phong trị nổi mẩn đỏ

Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận rằng phương pháp này cho hiệu quả chậm, mất thời gian đun sắc thuốc và các hình thức chẩn đoán cũng không đạt độ chính xác cao như Tây Y. Đây cũng là lý do khiến nhiều người bệnh có tâm lý ngại dùng thuốc Đông Y hoặc không đủ kiên nhẫn áp dụng đủ liệu trình.

Cần lưu ý những gì khi bị nổi mẩn đỏ?

Nhằm hỗ trợ tối ưu cho quá trình đẩy lùi biểu hiện nổi mẩn đỏ trên da, bên cạnh việc xác định nguyên nhân, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh còn cần phải ghi nhớ một số thông tin dưới đây:

  • Tăng cường uống nước, bổ sung các loại hoa quả và rau xanh giàu vitamin C và vitamin E.
  • Dưỡng ẩm thường xuyên cho da, tránh để da khô, nứt nẻ.
  • Tạm ngừng việc sử dụng mỹ phẩm nếu mẩn đỏ xuất hiện trên mặt. Tẩy trang hàng ngày nếu có sử dụng.
  • Che chắn cẩn thận khi ra ngoài trời nắng nóng hoặc vào môi trường khói bụi.
  • Hạn chế uống rượu, bia và cà phê.
  • Theo dõi sát sao các biến chuyển của làn da để trao đổi ngay với bác sĩ nếu cần thiết.

Nổi mẩn đỏ có thể chỉ là một phản ứng dị ứng nhẹ của cơ thể nhưng cũng có khả năng là biểu hiện của một căn bệnh nguy hiểm vì vậy chủ động tìm hiểu thông tin về hiện tượng này sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện và thăm khám nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC