Đan sâm là gì? Công dụng và top 10+ bài thuốc chữa bệnh từ đan sâm

Đan sâm là một dược liệu quý và được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y để chữa bệnh. Đan sâm có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác để điều trị các bệnh như suy thận, tổn thương tim, suy nhược thần kinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức về dược liệu này.

Thông tin tổng quan về cây thuốc đan sâm

Đan sâm là vị thuốc được lấy từ rễ cây đan sâm. Đây là loại vị thuốc có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một số thông tin cơ bản của cây như sau:

  • Tên gọi khác: Huyết căn, xích sâm, huyết sâm, tử đan sâm, vử đan sâm, xôn đỏ, viểu đan sâm, cửu thảo.
  • Tên khoa học của cây: Salvia miltiorrhiza 
  • Họ cây: Hoa môi (Lamiaceae).

Đan sâm là cây gì?

Để nhận biết đan sâm vị thuốc, bạn có thể dựa vào các đặc điểm như sau:

  • Đây là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng 50 – 80cm, mọc thẳng đứng. Thân cây có màu đỏ nâu, trên thân có các mép gân dọc.
  • Lá cây thuộc loại lá kép, xẻ 2 hoặc 3 lá, mép lá có hình răng cưa. Mặt trước lá có màu xanh, mặt sau lá cò màu xám tro và có lông trắng.
Vị thuốc đan sâm được lấy từ rễ của cây đan sâm
Vị thuốc đan sâm được lấy từ rễ của cây
  • Hoa của cây mọc tập trung ở đầu cành, mỗi chùm có từ 7 – 10 bông. Hoa thường nở rộ nhất vào tháng 5 đến tháng 8. Cây ra quả vào tháng 7 đến 9.
  • Bộ phận được sử dụng làm thuốc đó là rễ cây. Rễ cây có hình trụ, thô, rắn và có màu đỏ nâu, mùi thơm nhẹ, đắng. Rễ cây khi về già sẽ bong tróc lớp vỏ bên ngoài và để lộ phần bên trong màu trắng ngà.

Địa lý phân bố

Đan sâm mọc nhiều ở Trung Quốc (khu vực Hà Bắc, Sơn Tây, Tức Xuyên, An Huy…) và Nhật Bản. Hiện nay, đan sâm dược liệu được nhân giống và gieo trồng tại một số khu vực của Việt Nam như Tam Đảo và các tỉnh phía Bắc. 

Thu hoạch và bào chế

Rễ của cây là bộ phận chứa dược tính cao nhất và được dùng để làm thuốc. Vì thế, khi thu hoạch cây, người ta chỉ để lại phần rễ và bỏ đi những phần khác. Sau 3 năm là thời điểm rễ cây đạt chất lượng tốt nhất. Bởi lúc này cây đã trưởng thành và có bộ rễ đạt dược tính cao. 

Người ta thường thu hoạch rễ cây vào mùa đông hoặc xuân hàng năm. Rễ cây đâm sâu vào đất nến rất khó để khai thác. Người ta phải đào rộng và sâu xung quanh phần gốc để tránh gây đứt gãy và trầy xước rễ.

Sau khi thu hoạch, dược liệu cần được sơ chế trước khi được làm thành thuốc. Rễ sẽ được rửa sạch, bỏ phần rễ phụ rồi đem phơi khô hoặc sấy làm thuốc. Khi thu hoạch, bạn chọn phần rễ có màu nâu đỏ, sáng màu, không dập nát, đường kính khoảng 1 – 1,5cm.

Các dạng bào chế thảo dược

  • Thái lát: Rễ cây được rửa sạch để loại bỏ tạp chất, để cho ráo nước, ủ mềm rồi thái thành từng lát dày. Sau đó, bạn mang rễ phơi ở nơi khô ráo, thoáng mát khoảng 2 – 3 ngày hoặc sấy khô để dùng làm thuốc.
  • Cắt khúc rễ: Rửa sạch và cắt rễ thành từng khúc, phơi cho héo rồi mang rễ đan sâm ngâm rượu. Khoảng 3 – 5 tháng sau là có thể sử dụng.
  • Xay nhuyễn: Mang dược liệu không lẫn tạp chất đi xay nhuyễn. Dùng dược liệu để bào chế thành thuốc theo dạng viên.
  • Cách ngâm rượu đan sâm: Mỗi kg rễ cây mang phơi khô và ngâm với 1 – 2 lít rượu trắng 40 độ. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp các thảo dược khác ngâm với rượu để tăng công dụng chữa bệnh.
  • Cao đan sâm: Bạn nấu rễ thành cao và sử dụng. Cao đan sâm vẫn giữ nguyên được giá trị của dược liệu. Cao đan sâm có tác dụng gì? Vị thuốc này có tác dụng sinh huyết mới, phá huyết ứ…

Tác dụng của đan sâm

Trong Đông y đan sâm được đánh giá cao về tác dụng điều trị bệnh. Vậy đan sâm có tác dụng gì? Dưới đây là những công dụng chữa bệnh tuyệt vời mà loại dược liệu này mang lại.

Công dụng theo y học cổ truyền

Đan sâm là thảo dược có vị ngọt, tính hàn nhẹ và được sử dụng nhiều trong các bài thuốc. Dược liệu này không có độc tố, tác động thẳng vào hai tâm kinh và can. Vị thuốc này chủ trị nhiều bệnh lý như:

  • Hoạt huyết, thông kinh, giải trừ phiền muộn, thanh tâm.
  • Điều trị bệnh rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, tiêu ứ, đau bụng.
Đan sâm có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, giải độc cơ thể
Đan sâm có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, giải độc cơ thể
  • Giải độc cơ thể, thanh nhiệt, dưỡng thần định chính và thông lợi quan mạch.
  • Điều trị bệnh đau nhức xương khớp, đau vai gáy.
  • Chữa trị khi tinh thần suy nhược, giúp an thần, thanh tâm, bổ phế.

Công dụng đan sâm theo y học hiện đại

Đan sâm có chứa hơn 200 hợp chất, 40 tanshinone. Acid salvianolic là thành phần dược học chính chứa trong rễ cây. Ngoài ra, rễ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất hữu cơ khác như vitamin, khoáng chất. Nhờ các thành phần hóa học trên, rễ cây có các tác dụng bao gồm:

  • Giảm rối loạn tuần hoàn máu vi mạch, mao mạch nhờ hoạt chất Tanshinone IIA. Từ đó giúp làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim.
  • Ổn định hồng cầu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành. 
  • Các hoạt chất miltiron và salvinon có tác dụng chống đông máu, hình thành huyết khối. Vì thế dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh tụ huyết, đông máu.
  • Cây có tác dụng chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, nhiễm khuẩn da, đau thắt ngực.
  • Có nhiều chất chống oxy hóa, ngăn chặn các gốc tự do gây hại cho sức khỏe và phòng ngừa bệnh ung thư. 

Đọc ngay

Top 10 + các bài thuốc từ rễ cây đan sâm

Dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc hay từ đan sâm. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

Bài thuốc trị tổn thương tim

  • Nguyên liệu: Đan sâm, đảng sâm, kim ngân mỗi loại 20g, phục linh, táo nhân mỗi loại 8g, mộc hương và viễn chí mỗi loại 6g, hoàng kỳ, bạch truật mỗi loại 16g. 
  • Cách thực hiện: Sơ chế sạch các loại thuốc, cho vào nồi nước sắc. Đun nước đến khi cô đặc lại thì chắt ra bát để nguội, uống trong ngày.

Bài thuốc chữa đau bụng

  • Nguyên liệu: Đan sâm 15g, sa nhân 8g, xích thược, nhũ hương và mộc dược mỗi vị 10g.
  • Cách thực hiện: Bài thuốc này có tác dụng điều trị tình trạng đau vùng thượng vị do huyết ứ khí trệ, đau bụng kinh, đau bụng do các nguyên nhân khác nhau. Bạn sắc các dược liệu trên. Uống thuốc khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy tình trạng đau bụng bớt nhiều.

Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt

  • Nguyên liệu: Ích mẫu thảo, đào nhân, đan sâm mỗi vị 30g. 
  • Cách thực hiện: Bạn sơ chế sạch các loại thảo dược trên. Sau đó, mang thảo dược đi xay nhuyễn và sắc lấy nước uống.

Bài thuốc trị đau bụng kinh, bế kinh

  • Nguyên liệu: Đan sâm 10g, xuyên khung, địa hoàng, bạch thược mỗi vị 5g, củ đương quy 9g, củ cỏ gấu 6g.
  • Cách thực hiện: Bạn rửa sạch tất cả các nguyên liệu trên để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn. Cho thuốc vào nồi sắc khoảng 1 giờ đồng hồ. Mỗi ngày bạn sắc thuốc uống 1 thang sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng đau bụng kinh.

Bài thuốc điều trị mất kinh

  • Nguyên liệu: Bột đan sâm 12g, bo bo 12g, bán hạ chế và củ cỏ gấu mỗi vị thuốc 8g, vỏ quýt khô, chỉ xác, nga truật, uất kim mỗi vị 7g, đảng sâm 16g.
  • Cách thực hiện: Bạn cho tất cả các nguyên liệu trên vào chung một nồi sắc, cho nước lọc vào rồi đem sắc. Khi nước thuốc bắt đầu sôi, bạn vặn lửa nhỏ lại. Sau khoảng 1 giờ thì chắt nước ra và để dùng dần.

Bài thuốc điều trị viêm khớp cấp tính

  • Nguyên liệu: Đan sâm 12g, hy thiêm thảo và thổ phục linh 19g, tỳ giải và kê huyết đằng mỗi vị 16g, cam thảo nam và ý dĩ mỗi vị 12g, kim ngân hoa và ké đầu ngựa mỗi vị 20g. 
  • Cách thực hiện: Bạn sơ chế kỹ thảo dược và loại bỏ tạp chất, rửa sạch rồi cho vào nồi sắc. Khi nước cạn dần thành nước đặc, sánh thì bạn chắt thuốc ra. Bạn nên uống hết thuốc trong ngày và bỏ vào tủ lạnh để dễ uống hơn. 

Bài thuốc chữa bệnh viêm tắc động mạch chi

  • Bài thuốc 1: Hoàng kỳ và đan sâm mỗi vị 20g, đương quy vĩ 16g, bạch chỉ, nhũ hương, quế chi, nghệ, tô mộc, hồng hoa, xích thược, một dược, bạch chỉ, đào nhân mỗi vị 12g. Người bệnh sắc các vị thuốc trên và uống mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Đan sâm, bồ công anh, kim ngân hoa và huyền sâm mỗi vị 20g, hoàng kỳ, sinh địa, đương quy mỗi vị 16g, diên hồ sách, hồng hoa mỗi vị 12g, nhũ hương, một dược mỗi vị 9g, cam thảo 4g. Người bệnh sắc các vị thuốc trên và uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa mất ngủ, đau nhức thần kinh

  • Bài thuốc số 1: Đan sâm, quả trắc bá, táo nhân sao và liên tâm mỗi vị 8g, viễn chí 4g. Lấy tất cả các nguyên liệu và sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc số 2: Đan sâm, huyền sâm, bạch thược, ngưu tất, mạch môn, đại táo, hạt muồng sao mỗi vị 16g, dành dành, toan táo nhân mỗi vị 8g. Người bệnh sắc các loại thuốc kể trên và uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa thấp khớp

  • Bài thuốc 1: Đan sâm 12g, đảng sâm 20g, ngưu tất 10g, thổ phục linh, tang ký sinh, đỗ trọng, kê huyết đằng, thiên niên kiện, thục địa, u chát, xích thược mỗi vị 12, hoài sơn 9g, nhục quế sắc 9g. Người bệnh sắc thuốc uống mỗi ngày để điều trị bệnh thấp khớp.
  • Bài thuốc số 2: Đan sâm, cốt toái bổ, rau má, thiên hoa phấn, thổ phục linh, hy thiêm, khương hoạt mỗi vị 12g, bạch chỉ nam 12g, cam thảo 4g. Bệnh nhân sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang để điều trị bệnh thấp khớp thể nhiệt.

Bài thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết

  • Nguyên liệu: Đan sâm 12g, huyền sâm, xa tiền, thông thảo, mộc thông mỗi vị 16g, bồ công anh 100g, tạo giác thích 8g. 
Bạn có thể kết hợp đan sâm với một số vị thuốc khác để điều trị các bệnh lý
Bạn có thể kết hợp đan sâm với một số vị thuốc khác để điều trị các bệnh lý
  • Cách thực hiện: Người bệnh sắc thuốc với nước uống mỗi ngày một thang để điều trị bệnh.

Bài thuốc chữa bệnh chảy máu dưới da, chảy máu mũi

  • Nguyên liệu: Đan sâm 12g, ích mẫu, đơn bì, liên kiều, xích thược, bạch thược mỗi vị 12g, mao căn 40g, hồng hoa 4g.
  • Người bệnh sắc thuốc với lượng nước vừa đủ và uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa phong nhiệt, ghẻ lở

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 20g đan sâm, 16g thổ sâm và hạt xà sàng.
  • Cách thực hiện: Bạn nấu các dược liệu với nước, để nguội và dùng rửa vùng da bị ghẻ lở khi còn ấm.

Bài thuốc bổ tư can với đan sâm

  • Nguyên liệu: Đan sâm 400g, 200g thù nhục, thanh bì, chủ thực, đương quy mỗi vị 200g, đơn bì, bạch linh, trạch tả mỗi vị 200g, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, ngọc trúc mỗi vị 400g.
  • Cách thực hiện: Bạn tán các nguyên liệu trên thành bột mịn, cho thêm một ít mật ong vào và nhà thành viên. Mỗi viên có trọng lượng khoảng 5g, mỗi ngày người bệnh uống từ 4 – 6 viên để điều trị bệnh.

Bài thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn

  • Nguyên liệu: Đan sâm, bạch linh, bạch truật, thanh bì, uất kim, sài hồ mỗi vị 8g, gừng 4g, hương phụ, cam thảo và bạc hà mỗi vị 6g.
  • Cách thực hiện: Bạn sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang để điều trị bệnh.

Bài thuốc chữa đau gan, sưng gan, viêm gan mãn tính

  • Nguyên liệu: Đan sâm và nọc sởi mỗi vị 20g.
  • Cách thực hiện: Bạn sắc các nguyên liệu trên với nước, uống thuốc thay trà và nước lọc hàng ngày.

Một số lưu ý khi sử dụng đan sâm

Đan sâm là dược liệu mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng vị thuốc này, người bệnh cũng cần lưu ý một số điều như sau:

Bạn nên lựa chọn mua dược liệu ở những địa chỉ, an toàn, uy tín
Bạn nên lựa chọn mua dược liệu ở những địa chỉ, an toàn, uy tín
  • Đan sâm kiêng kỵ sử dụng với giấm và lê lô. Vì thế bạn không được kết hợp các dược liệu này với nhau.
  • Không được sử dụng vị thuốc này cho phụ nữ có thai vì sẽ gây sảy thai và sinh con non.
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh thì không được dùng vị thuốc này. Vì vị thuốc có thể làm chu kỳ kinh nguyệt kéo dài thêm. 
  • Không lạm dụng dược liệu nhằm tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Người mắc bệnh huyết áp thấp thì không nên sử dụng vì có thể gây tụt huyết áp.

Đan sâm giá bao nhiêu? Đan sâm mua ở đâu?

Hiện nay, dược liệu đang được nhân rộng và nuôi trồng nhiều tại các cơ sở nuôi trồng dược liệu trên khắp cả nước. Giá đan sâm khô hiện nay dao động trong khoảng 300.000 – 500.000 đồng. 

Bạn có thể tìm mua dược liệu đan sâm tại các chợ truyền thống, cửa hàng chuyên kinh doanh dược liệu, hiệu thuốc Đông y hoặc các cơ sở dược liệu uy tín. 

Trên đây là tổng hợp những thông tin về dược liệu quý đan sâm. Khi sử dụng, người bệnh cần dùng đúng liều lượng, kết hợp đúng vị thuốc để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, bạn lưu ý không nên lạm dụng thuốc vì có thể gây ra tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.