Cây cỏ sữa: Những đặc điểm nhận dạng và bài thuốc hay cần biết

Cây cỏ sữa từ lâu đã được xem là vị thuốc quý dùng trong điều trị bệnh ở đường ruột, tuyến sữa và nhiều vấn đề khác. Vì tính hữu dụng của nó mà nhiều người đã đi tìm mua về sử dụng. Thế nhưng, họ lại gặp khó khăn trong việc nhận dạng và sử dụng dược liệu. Bài viết sau sẽ chỉ dẫn những đặc điểm quan trọng về loại cỏ này và một số cách dùng hay.

Đặc điểm mô tả

Cỏ sữa được dùng nhiều trong Đông y và cả nhân gian để điều trị các bệnh đường ruột, xử lý vấn đề cho chị em sản phụ bị tắc sữa sau sinh. Đây là vị thuốc khá quen thuộc với các thầy lang nhưng người dân bình thường không phải ai cũng biết. Vậy, nếu muốn kiểm định chính xác thảo dược này, bạn phải dựa vào đâu? Dưới đây là một số đặc điểm nhận dạng, là cơ sở quan trọng giúp bạn phân biệt, nhận biết đúng cây cỏ sữa.

  • Tên gọi: Với công dụng nổi bật là trị tắc sữa cho phụ nữ nên dân gian thường gọi đây là cây cỏ sữa. Nó cũng còn có tên khác khả cây lợi sữa hay cỏ sữa đỏ. Trong danh sách thực vật, thảo dược này thuộc họ thầu dầu, có tên khoa học là Euphorbia thymifolia Burm.
  • Phân bố: Dược liệu này là loại cây mọc hoang dại trong tự nhiên. Nó thích hợp sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm hoặc ôn đới. Người ta thấy nhiều ở khu vực trung du và miền núi nhiều tỉnh trên cả nước. Ngoài Việt Nam, đây còn là cây mọc tự nhiên ở nhiều núi rừng Trung Quốc, Ấn Độ…
  • Phân loại: Trong tự nhiên, người ta nhận định có 2 loại cỏ sữa là loại cỏ sữa lá lớn và loại lá nhỏ.
Có 2 loại cỏ sữa là loại lá nhỏ và lá lớn
Có 2 loại cỏ sữa là loại lá nhỏ và lá lớn

Cỏ sữa lá nhỏ

  • Loại này có lông và mủ trắng (hay chính là nhựa).
  • Về tổng thể, toàn cây mọc thành cụm theo dạng thân cỏ. Trong đó các cành mềm tương đối giống dạng dây, tỏa rộng trên mặt đất. Màu của thân có sắc tím.
  • Lá cây rất nhỏ, hình bầu dục, hơi thuôn dài, mọc đối xứng qua thân cây. Kích thước mỗi lá chỉ dài khoảng 7mm và rộng tương đương 4mm. Quan sát phía dưới phiến lá có thấy lông, phần rìa mép có răng cưa.
  • Hoa cỏ sữa nhỏ mọc thành cụm giống dạng sim, màu tím đỏ, rất bé.
  • Quả cây này là loại quả nang, đường kính có thể lên đến 1,5mm. Trong các nang chứa hạt dài khoảng 0,7mm.

Cỏ sữa lá lớn

  • Cỏ sữa lớn thường mọc cao hơn loại lá nhỏ, khoảng cách từ tán lá tới mặt đất trung bình là 30 – 40cm. Màu sắc thân cây thường pha giữa xanh và tím nhạt hoặc vàng. Trên thân cành cũng có lông.
  • Không giống như loại lá nhỏ, loại này có phiến lá to hơn hẳn. Chiều rộng của phiến có thể từ 0,5 – 1,5cm, còn chiều dài dao động từ 2 – 3 cm. Ngoài rìa mép cũng có răng cưa.
  • Hoa cỏ sữa lá lớn màu trắng, khá nhỏ và mọc thành chùm trên phiến lá.
  • Quả hình thành ban đầu có màu đỏ, càng về sau càng chuyển xanh. Đến khi già thì lại có màu nâu. Trong quả có hạt hơi đỏ và xù xì.

Ngày nay, nhiều người vẫn tiếp tục tìm kiếm, khai thác dược liệu này trong tự nhiên để chữa bệnh. Tuy nhiên, do nhu cầu dùng thuốc tăng cao, các trung tâm dược liệu đã nghiên cứu và đưa con giống vào cấy trồng, thu hoạch để sản xuất thuốc.

Cách trồng và thu hoạch

Là loại cây mọc hoang dại, cỏ sữa rất dễ trồng. Bạn chỉ cần làm đất nhỏ để gieo hạt, cung cấp nước vừa đủ là cây có thể lên mầm. Cỏ sữa thích nghi tốt với điều kiện nhiệt độ ôn hòa, phát triển tốt khi độ ẩm tương đối cao. Vì vậy, bạn nên tưới nước thường xuyên vào buổi sáng và chiều, tránh để mặt đất nứt nẻ. Khi cây cỏ non mới mọc, cần chú ý che chắn nắng nếu nhiệt độ quá cao.

  • Thu hoạch: Với loại cỏ này, bạn có thể thu hoạch thành phẩm quanh năm. Thế nhưng thời điểm được xem như mùa vụ của nó là hè và thu.
  • Bộ phận dùng: Cỏ sữa lá nhỏ hay cây cỏ sữa lá to đều có thể dùng được cả rễ, lá và thân. Có thể nói toàn bộ cây này đều có giá trị làm thuốc tốt.
  • Chế biến: Để lưu trữ dùng dần, sau khi thu hoạch, bạn cần rửa sạch và phơi khô chúng.
  • Bảo quản: Nên đóng vào túi kín hoặc bảo quản trong hộp, tránh để ánh sáng và nhiệt độ, độ ẩm tác động vào trong.

Thành phần dược tính

Cỏ sữa được cho là chữa bệnh rất tốt, liệu có căn cứ nào không? Các nhà khoa học và bác sĩ y học cổ truyền đã tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm chứng minh công dụng của nó. Cụ thể:

Thành phần hóa học

  • Cosmosiin: Cosmosiin có trong thân và lá của cây này thuộc nhóm chất Flavonoid. Nó đem lại công dụng tốt trong việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, hỗ trợ chuyển hóa, ngừa và điều trị viêm nhiễm, dị ứng. Đồng thời đây cũng là một chất giúp làm giảm nguy cơ lão hóa cho người bệnh rất tốt.
  • Myricyl Alcohol: Myricyl Alcohol trong cây này cũng chính là thành phần hỗ trợ tiêu hóa tự nhiên. Y học hiện đại đã ứng dụng vào điều chế nhiều thuốc chữa tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
  • Taraxerol: Dân gian nhiều nơi dùng cây cỏ sữa chữa tiêu chảy, ngày nay người ta nghi ngờ có thực sự hiệu quả? Thật may, người ta thấy được trong rễ cây này có chứa sẵn taraxerol. Đây chính là dược chất mà y học hiện đại đang ứng dụng vào điều trị một số bệnh viêm nhiễm và ngừa ung thư. Nó cũng là hoạt chất chính dùng trong điều trị bệnh tiêu chảy.
  • Tirucallol: Dược chất có trong thảo dược này – tirucallol cho phép người sử dụng khôi phục niêm mạc trong đường ruột. Vì thế nó thu hẹp các ổ viêm, môi trường sống của khuẩn hại gây bệnh. Từ đó là cân bằng hệ tiêu hóa cho người dùng.
Cỏ sữa lá nhỏ
Cỏ sữa lá nhỏ

Hầu hết các phân tích y học hiện đại đã chỉ ra đây đúng là vị thuốc tốt đối với hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, về hiệu quả chữa bệnh tắc sữa ở phụ nữ sau sinh, các nhà nghiên cứu chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Tác dụng theo Đông y

Trong y học cổ truyền, cây cỏ sữa lá nhỏ có vị chua nhẹ, tính khá mát, nếu sử dụng để điều trị bệnh sẽ không làm ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương của cơ thể.

Loại cỏ lá lớn thì có tính lạnh và dễ làm mất cân bằng âm dương nếu sử dụng sai. Vì vậy, cần cẩn trọng dùng đúng người, đúng bệnh, đúng liều để đảm bảo an toàn.

Theo nhiều tài liệu y học cổ điển, tác dụng cây cỏ sữa lá nhỏ và lớn là giải độc, thanh nhiệt, làm tiêu viêm và thông sữa, cải thiện lưu thông khí huyết. Người ta thường sử dụng trong điều trị các chứng bệnh như là:

  • Hỗ trợ chữa trị bệnh ở đường ruột, đặc biệt là tình trạng kiết lỵ.
  • Cải thiện các triệu chứng của bệnh đại tiện ra máu do vấn đề xuất hiện dạ dày và tình trạng liên quan.
  • Giúp chị em phụ nữ sau sinh khắc phục hiện tượng tắc sữa, tăng khả năng tiết sữa.
  • Ngoài ra nó còn được dùng trong điều trị mụn nhọt và những trường hợp mẩn ngứa ngoài da, ho hen…

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ sữa

Cỏ sữa chữa bệnh gì là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Nhằm chỉ rõ một số phương thuốc và cách dùng để trị bệnh bằng cây cỏ sữa, các thầy thuốc Đông y đã ghi chép một số công thức sau:

Cách chữa kiết lỵ nhẹ

Trẻ nhỏ và cả người lớn bị bệnh kiết lỵ khiến việc đại tiện khó khăn. Đó là do trong hệ tiêu hóa của họ đang gặp một số vấn đề. Đông y dùng cỏ sữa kết hợp với một số thuốc và điều trị như sau:

  • Cách thứ 1: Lấy 100g cỏ sữa còn tươi, loại lá nhỏ đem rửa sạch, để ráo. Thái chúng ra và đem sắc với 400ml nước đến khi cạn còn 100ml thì chắt ra. Chia đôi phần nước thu được để uống ấm 2 lần trong ngày.
  • Cách thứ 2: Kết hợp 100g loại cỏ lá nhỏ và 80g cây rau sam, đem rửa sạch và sắc với 300ml nước. Đun vừa lửa đến khi cạn ½ thì tách riêng nước, chia ra uống 3 lần trong ngày. Nên duy trì cách chữa bệnh kiết lỵ này trong 5 – 7 ngày.
  • Cách thứ 3: Bạn cũng lấy 100g cỏ này loại lá nhỏ, kết hợp cùng 25g hạt cau và 100g rau sam cùng lá mơ lông dùng 20g. Đem tất cả đi rửa với nước rồi đun nước lên, thả hạt cau vào trước, nấu sôi vài phút thì cho các dược liệu còn lại vào, đun sôi lại. Đem gạn lấy nước và chia ra cho người bệnh kiết lỵ dùng trong ngày.

Chữa đi cầu ra máu tươi thể nhiệt

Những trường hợp đại tiện phát hiện trong phân có máu tươi do nhiệt trong người thì dùng cỏ sữa chữa trị như sau:

  • Lấy 100g dược liệu này kết hợp cùng 60g cây nhọ nồi, đem tất cả đi rửa sạch.
  • Sau đó sắc với 400ml nước, đun lửa vừa đến khi còn lại chừng 100ml.
  • Cuối cùng chắt ra và chia đôi để uống ấm trong ngày.
  • Nên cho người bệnh dùng như vậy liên tục 2 – 3 ngày để theo dõi hiệu quả.

Mẹo thông sữa cho bà đẻ

Phụ nữ sau sinh nhiều trường hợp không mau về sữa, tắc sữa hoặc thiếu sữa. Dân gian đã truyền cho nhau cách làm như sau với cỏ sữa:

Cỏ này giúp thông sữa tốt
Cỏ này giúp thông sữa tốt
  • Lấy 100g loại cỏ này kết hợp với 40g hạt quả gạo đem sắc kỹ với nước.
  • Sau đó dùng nước ấy để nấu cháo cho sản phụ ăn mỗi ngày 1 lần.
  • Duy trì như vậy từ 5 – 7 ngày để tuyến sữa hoàn toàn thông và khả năng tiết sữa đạt được tốt nhất.

Trị mẩn ngứa ngoài da

Chị em phụ nữ, trẻ nhỏ hay quý ông, người lớn tuổi bị mẩn ngứa ngoài da do tiếp xúc với dị nguyên có thể trị bằng cách:

  • Lấy một ít cỏ sữa đem rửa sạch rồi ngâm nước muối loãng 10 phút.
  • Vớt ra vảy sạch nước rồi đem giã nát.
  • Vệ sinh vùng da bệnh, lau khô rồi đắp bã thuốc lên.
  • Cách dùng khác: Nếu không đắp trực tiếp ngoài da được, bạn cũng có thể nấu nước lá sữa để ngâm rửa.

Chữa mụn nhọt

Không chỉ có tác dụng tốt trong việc giảm triệu chứng mẩn ngứa, dược liệu này còn xóa tan mụn nhọt trên da. Cách dùng như sau:

  • Cách 1: Bạn đem sơ chế nguyên dược liệu thật sạch bằng cách rửa và ngâm nước muối loãng. Sau đó giã nát lấy bã và đắp lên vùng da mụn. Chú ý rửa nhẹ nhàng và sạch bề mặt da trước. Sau khi đắp thuốc 2 giờ thì thay lớp bã khác. Mỗi ngày làm như vậy 2 lần đến khi mụn xẹp xuống và biến mất.
  • Cách 2: Bạn cũng sơ chế cỏ sữa thật sạch sau đó đem phơi khô. Với cách này bạn không giã mà nghiền thành bột mịn, cho vào lọ kín. Mỗi ngày sau khi vệ sinh da, bạn lấy chừng 2 thìa cà phê bột này pha với nước lọc để tạo hỗn hợp sệt. Sau đó bôi chúng lên vùng có mụn, để thuốc ngấm 20 phút. Cuối cùng đem rửa sạch lại với nước mát. Duy trì đều đặn nhiều ngày đến khi thấy rõ hiệu quả.

Cải thiện bệnh ho hen

Ho do cảm cúm hay gặp vấn đề ở phổi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa rất khó chịu. Tuy nhiên, chỉ với một số dược liệu sau, bạn có thể cải thiện tình trạng này.

  • Cỏ sữa dùng 10g loại lá lớn.
  • Kết hợp với 20g lá dâu.
  • Thêm vào 3 lá bồng bồng.
  • Đem tất cả số lá thuốc này đi rửa sạch với nước rồi đun sôi kỹ. Chắt phần nước ra uống trong ngày từ 2 – 3 lần, mỗi lần chừng nửa bát con.
Loại lá lớn chữa ho hen
Loại lá lớn chữa ho hen

Điều trị giun sán bằng lá cỏ sữa

Trong dân gian, dược liệu này cũng được xem là khắc tinh của nhóm giun đũa, giun kim và sán. Vì vậy, nhiều cha mẹ mách nhau đem về cho trẻ dùng, phòng và trị bệnh. Cách làm như sau:

  • Lấy 1 nắm lá cây này đem rửa sạch với nước muối loãng, để róc nước.
  • Sau đó đem giã nát rồi cho vào mảnh vải xô sạch để vắt kỹ lấy phần nước.
  • Cho trẻ nghi bị nhiễm giun sán uống phần nước này trước khi ăn cơm nhiều giờ.
  • Thực hiện như vậy 3 – 4 lần, đến khi thấy có hiệu quả rõ rệt thì dừng.

Trị viêm lưỡi, nứt môi

Đây là công dụng ít biết, khá đặc biệt của cây này. Nếu bạn bị viêm sưng đau ở lưỡi hoặc nẻ, nứt môi, có thể bạn đã nghe nói đến cách làm này.

  • Tìm cây cỏ sữa loại lá lớn hoặc nhỏ đều được, cắt lấy cành tươi của nó.
  • Khi thấy phần mủ của cây chảy ra thì đem bôi lên vùng da môi bị nứt nẻ hoặc phần lưỡi sưng viêm.
  • Tránh ăn uống hoặc sờ vào vị trí bệnh sau đó.
  • Thực hiện vài lần để thấy sự thay đổi rõ rệt từ ngoài vào.

Cỏ sữa kích mọc tóc

Với những quý ông bị hói hoặc những người mắc bệnh sốt xuất huyết, phụ nữ sau sinh…, hiện tượng tóc rụng là nỗi ám ảnh lớn. Dân gian đã tìm ra cách khắc phục như sau:

  • Lấy phần mủ của cây này làm dược liệu (loại lá to hay lá nhỏ đều được).
  • Sau khi vệ sinh da đầu sạch sẽ và khô thoáng thì bôi nhựa của nó lên da.
  • Thực hiện đều đặn mỗi tuần 2 – 3 lần để tóc mọc lại nhanh và phát triển khỏe mạnh, cứng cáp.

Cầm máu vết thương

Không chỉ chữa các bệnh do xuất huyết ở đường ruột, đây cũng là loại cỏ có tác dụng cầm máu ở vết thương ngoài da. Nhân gian làm như sau:

  • Hái lá cỏ sữa tươi đem rửa sạch, để khô nước rồi giã nát.
  • Vệ sinh vết thương bằng nước sát trùng rồi đắp bã cỏ này lên để cầm máu.
  • Những dược chất trong cây này không chỉ ngừa chảy máu mà còn hỗ trợ làm lành da.
  • Thực hiện vài lần, tùy vào tình trạng vết thương mà điều chỉnh liều lượng, ngưng đắp khi thấy mọc da non.
Có thể dùng lá cây này để cầm máu
Có thể dùng lá cây này để cầm máu

Tuy cỏ sữa có khá nhiều công dụng chữa bệnh nhưng khi sử dụng bạn cần cẩn trọng. Đặc biệt chú ý đến những độc tính có ở loại lá lớn. Tốt nhất cần tham khảo ý kiến từ thầy thuốc, bác sĩ trước khi dùng.

Tóm lại, cỏ sữa lá lớn hay lá nhỏ đều rất dễ nhận dạng, tìm mua. Tuy nhiên, bạn hãy thận trọng sử dụng đúng cách, trị đúng bệnh, đúng thời điểm.