Bồ Công Anh Có Những Loại Nào? Công Dụng, Lưu Ý Cần Nhớ Khi Dùng

Bồ công anh là một loài cây dược liệu vô cùng phổ biến. Tất cả các bộ phận của dược liệu này đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên nhiều người chưa biết cách phân biệt và sử dụng sao cho đúng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách nhận dạng và sử dụng loại dược liệu này một cách hiệu quả nhất.

Tìm hiểu chung về cây thuốc bồ công anh

  • Tên khoa học: Lactuca indica L.
  • Thuộc chi: Rau diếp (Lactuca).
  • Họ: Cúc (Asteraceae).
  • Tên gọi khác: Rau bồ cóc, diếp hoang, diếp trời, rau mũi cày, bộc công anh, lục anh, thái nại, đại đinh thảo, cổ đính, bồ anh, ba ba đinh, bát tri nại, bạch cổ đinh, địa đinh thảo, kim cổ thảo, mãn địa kim tiền,…

Đặc điểm thực vật

Bồ công anh là cây thân thảo, có vòng sống ngắn ngủi chỉ 1 – 2 năm. Thân nhẵn và mọc đứng có màu đốm tía, chỉ cao khoảng nửa mét đến 2m. Lá xuất phát từ rễ, mọc so le nhau và không có cuống hoặc có răng, thuôn dài hình trái xoan ngược.

Hoa mọc thành cụm và xếp thành chùy dài khoảng 20cm, phân nhiều nhánh, thường mọc ở phần ngọn hoặc kẽ lá. Bao hoa hình trụ, bao gồm 8 đến 10 hoa trên mỗi đầu. Hoa có nhiều màu: Loại Việt Nam thường có màu vàng; loại Trung Quốc màu tím, trắng,… Quả có màu đen, lông trắng nhạt, tiết dịch nhựa mỗi khi bấm vào. 

Mùa hoa nở vào khoảng tháng 6 – 7 hằng năm và kết quả vào tháng 9. 

Cây dược liệu bồ công anh
Cây dược liệu bồ công anh

Cây bồ công anh mọc ở đâu?

Cây thường mọc hoang, phân bố chủ yếu ở các vùng ẩm trong vườn, ven đường đi, bãi sông, trên các thửa ruộng hay nương rẫy đã bỏ hoang.

Phân bố chủ yếu thuộc các nước Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippin và các nước Đông dương. 

Ở Việt Nam, cây bồ công anh phân bố rải rác khắp mọi nơi từ trung du đến đồng bằng. Tuy nhiên, mọc nhiều nhất là ở các tỉnh miền Bắc nước ta.

Loại cây này rất dễ trồng bằng hạt, mùa trồng vào tháng 3 – 4 hoặc 9 -10, ngoài ra cũng có thể trồng bằng mẩu gốc.

Cây bồ công anh có mấy loại

Cây bồ công anh được chia làm 3 loại chính, cách nhận biết theo từng loại như sau:

Bồ công anh Việt Nam:

Đây là loại cây có tên gọi dân gian là rau bồ cóc, rau lưỡi cày,  diếp hoang, diếp trời, mũi mác,… 

Đặc điểm nhận dạng: 

  • Cây thân thảo, sống 1 hoặc 2 năm, thân mọc đứng, nhẵn, cao từ 0,5 m đến 2 m và có đốm tía. 
  • Lá so le nhau, không có cuống lá, các lá có răng hoặc hoàn toàn nguyên.
  • Thân và lá khi bấm vào có nhựa chảy ra.
  • Cụm hoa tụ họp thành chùy, thường ở ngọn thân và kẽ lá và phân nhánh nhiều. Bao hoa hình trụ, có từ 8 đến 10 hoa màu vàng nhạt trên mỗi đầu, có tràng hoa lưỡi dài. Thường nở vào tháng 6 – 7 hàng năm và kết quả vào tháng 8 – 9.
  • Quả màu đen, lông trắng nhạt.

Bồ công anh Trung Quốc:

Đây là loại cây có thân lùn, chúng mọc hoang và có trồng ở một vài nơi ở nước ta.

  • Loại cây này có thân rất ngắn, chỉ dao động từ 40 – 60cm, lá mọc trực tiếp từ rễ lên, lá đơn, mọc chụm ở gốc thành hình hoa thị, có màu xanh lục, mặt trên đậm màu hơn mặt dưới. 
  • Rễ cây hình trụ và mọc đâm thẳng xuống đất. 
  • Hoa mọc ở trên cùng và có màu vàng về già có thể thu được hạt.
  • Quả có hình bầu dục, thuôn hẹp, màu nâu đen và dài từ 0,3 – 0,4 cm.

Bồ công anh thân lùn được các nhà khoa học chứng minh có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe. Vì vậy, tất cả các bộ phận từ lá, rễ, thân cây đều được dùng làm thuốc.

Cây chỉ thiên:

Loại cây này cũng được gọi là cây này là cây thổi lửa, cây cỏ lưỡi chó, cỏ lưỡi mèo, co tát nai (dân tộc Thái), nhả đản (dân tộc Tày),… 

Trong sách y học cổ Trung Quốc gọi nó là Xuy hỏa căn, Thiên giới thái, Khổ địa đảm, Thổ sài hồ, Thổ bồ công anh, Thiết tảo trửu. Các thầy thuốc Đông y gọi đây là cây thiền hồ nam. Loại cây này mọc nhiều ở phía Nam nước ta và không có tác dụng làm thuốc.

Dựa vào màu sắc, loại cây này còn được chia làm 3 loại chính là: Bồ công anh vàng, tím, trắng. 

Cả 3 loại cây đều có tác dụng làm trà làm thức ăn tuy nhiên chỉ có bồ công anh lùn mới có tác dụng trị bệnh. Do đó trước khi sử dụng cần phân biệt chính xác để điều trị mang lại hiệu quả cao.

Cần phân biệt đúng các loại cây để mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao nhất
Cần phân biệt đúng các loại cây để mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao nhất

Thu hái và chế biến

  • Thời gian thu hái: Thông thường được thu hoạch vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 5 là thời kỳ cây có vị đắng mạnh. 
  • Cách chế biến: Cây nhỏ có lá dài, thân và cành có màu tím thường được chọn làm thuốc. Sau khi thu hái sẽ cắt thành từng đoạn nhỏ, phơi khô hoặc sấy khô rồi bảo quản để dùng dần. 
  • Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, không bị ẩm ướt hay mối mọt.

Tác dụng của cây bồ công anh 

Tính vị, quy kinh: Có vị ngọt, tính bình, không độc, kinh can, kinh vị.

Tác dụng chính:

  • Điều trị tình trạng viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiểu, u nhọt sưng tấy, viêm amidan cấp tính, bệnh đau dạ dày,… 
  • Lá: Giàu vitamin A và C cũng như canxi, sắt. Tác dụng của lá cây là tán sưng tiêu ung, thanh nhiệt, giải độc,…
  • Rễ: Có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u, đặc biệt thường dùng làm thuốc điều trị bệnh ung thư.

Cây bồ công anh chữa bệnh gì?

Các bài thuốc từ bồ công anh được sử dụng rộng rãi trong dân gian là:

Chữa tắc tia sữa

Bồ công anh là loại cây có tác dụng giúp điều trị và hỗ trợ trường hợp phụ nữ sau sinh bị tắc tia sữa. Khi đó có thể áp dụng một trong các bài thuốc cực kỳ hiệu quả dưới đây:

Cách 1: Dùng lá tươi

  • Sử dụng 20 – 40g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, để ráo nước.
  • Cho thêm ít muối hạt rồi giã nát và vắt lấy nước uống hàng ngày.
  • Phần bã sau khi vắt dùng đắp lên chỗ vú sưng đau
  • Áp dụng ngày 1 – 2 lần giúp giảm tình trạng sưng đau vú và tắc tia sữa hiệu quả.

Cách 2: Bồ công anh, sài đất và lá quýt hôi. 

  • Đem các thảo dược đã chuẩn bị sắc với 600ml nước, sắc đến khi còn 200ml thì chia 2 lần uống vào buổi sáng và tối. 
  • Kiên trì dùng từ 5 – 7 ngày giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm tuyến vú và tắc tia sữa.

Trị mụn nhọt bằng lá cây bồ công anh

Lá cây có chứa chất kháng viêm và chống oxy hóa cao do đó có tác dụng rất tốt trong việc làm trắng da, ngăn ngừa mụn nhọt. Cách sử dụng bài thuốc như sau:

Cách 1: 

Sử dụng lá cây bồ công anh, bèo cái và sài đất. Đem các vị thuốc rửa sạch rồi sắc với nước uống mỗi ngày 1 thang. Kiên trì sử dụng mụn thâm trên da mặt sẽ giảm dần.

Có thể dùng dược liệu trị để giảm nhanh tình trạng mụn nhọt trên da
Có thể dùng dược liệu trị để giảm nhanh tình trạng mụn nhọt trên da

Cách 2: Sử dụng 20 – 40g lá tươi giã với ít muối, vắt nước cốt uống sau đó đắp bã lên chỗ da bị viêm tấy, mụn nhọt.

Cách 3:

  • Sử dụng bồ công anh, ké đầu ngựa, vòi voi, liên kiều, kinh giới, cỏ mần trầu, kim ngân hoa, hạ khô thảo. 
  • Đem tất cả các nguyên liệu trên sắc cùng 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia ra uống 2 lần trong ngày. Mỗi ngày nên sử dụng 1 thang, kiên trì dùng từ 5 – 7 ngày các dấu hiệu mụn viêm trên da sẽ giảm nhanh chóng.

Cây bồ công anh chữa bệnh dạ dày

Các triệu chứng viêm đau dạ dày thường gây nhiều khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, nếu tình trạng bệnh lâu ngày không khỏi có thể dẫn đến xuất huyết, thủng dạ dày hoặc ung thư rất nguy hiểm. 

Ngay từ khi có triệu chứng người bệnh có thể sử dụng một số cách trị bệnh như sau:

Cách 1: Chữa viêm loét dạ dày tá tràng

Sử dụng cây bồ công anh, lá khôi, nghệ vàng mỗi loại, mai mực, cam thảo. Đem các vị thuốc này sắc với nước, uống ngày một thang. Kiên trì sử dụng các dấu hiệu đau nhức, buồn nôn, đầy bụng, chướng hơi,… sẽ giảm dần.

Cách 2: Chữa đau dạ dày

Sử dụng cây bồ công anh, lá khôi, lá khổ sâm. Đem các vị thuốc sắc với 300ml nước và đun sôi 15 phút. Sau đó thêm chút đường cho đủ ngọt rồi uống mỗi ngày 1 thang. Kiên trì dùng thuốc trong 10 ngày sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp đến khi khỏi bệnh.

Cách 3: Chữa viêm dạ dày, ung thư vú

Sử dụng bồ công anh, kim ngân hoa và hạ khô thảo mỗi loại 20g.  Cho các nguyên liệu sắc cùng 600ml nước đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Dùng nước thuốc để uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày giúp các triệu chứng bệnh suy giảm nhanh chóng.

Giải độc gan

Rễ bồ công anh có tính mát còn giúp thanh nhiệt cơ thể, có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm và tăng cường đào thải các độc tố trong cơ thể  nhất là ở gan. Ngoài ra, thảo dược này còn giúp đào thải axit uric gây bệnh Gout và giảm thiểu tình trạng tích tụ mỡ thừa dẫn đến gan nhiễm mỡ.

  • Cách dùng như sau: 30g rễ bồ công anh khô, 5g gừng thái lát, 1 hạt thảo quả và 1 ít đường hoặc mật ong. 
  • Cách làm: Trộn tất cả nguyên liệu trừ đường hoặc mật ong rồi đem đun sôi cùng nước trong khoảng 5 – 10 phút. Sau đó chắt lấy nước cốt, thêm đường (mật ong) để uống hàng ngày.

Xem thêm

Trị viêm gan cấp tính

Có thể giảm triệu chứng đau do viêm gan cấp tính bằng cách sử dụng bài thuốc:

  • Nguyên liệu bồ công anh, nhân trần, thổ phục linh và bạch mao căn với liều lượng bằng nhau (20g). 
  • Cách dùng: Đem tất cả các nguyên liệu sắc với nước và chia ra uống trong ngày, mỗi ngày dùng 1 thang sẽ mang lại hiệu quả cao.

Chữa bệnh quai bị 

Cách dùng như sau:

  • Chuẩn bị: 30g bồ công anh, lòng trắng trứng gà và đường phèn.
  • Đem bồ công anh rửa sạch, giã nát rồi trộn với lòng trắng trứng và đường phèn. 
  • Sau đó dùng đắp lên vị trí bị quai bị, mỗi ngày đắp 1 lần, kiên trì từ 3 – 5 lần sẽ có hiệu quả.
Giảm đau nhức và biến chứng quai bị nhanh chóng nhờ bài thuốc đắp bồ công anh
Giảm đau nhức và biến chứng quai bị nhanh chóng nhờ bài thuốc đắp bồ công anh

Chữa viêm bàng quang 

Cách trị viêm bàng quang đơn giản như sau:

  • Chuẩn bị: bồ công anh, sa nhân và quất bì.
  • Đem 3 nguyên liệu phơi khô rồi tán thành bột mịn.
  • Khi dùng pha 2g hỗn hợp bột với nước rồi uống ngày 3 lần. Kiên trì uống hàng ngày các triệu chứng viêm, rối loạn bàng quang sẽ giảm dần.

Trị rắn độc cắn

Bồ công anh cũng có tác dụng loại bỏ độc tố khi bị rắn cắn. Cách dùng như sau:

  • Đầu tiên hút hết độc tố sau đó lấy lá bồ công anh tươi giã nát, thêm ít muối và đắp lên vùng da bị rắn cắn, buộc chặt lại bằng vải mỏng.
  • Mỗi ngày thực hiện thay thuốc 1 lần, kiên trì trong 1 tuần độc tố sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Mua cây bồ công anh ở đâu tốt?

Cây bồ công anh không phải là thảo dược quý hiếm do đó người dùng có thể dễ dàng mua ở các hiệu thuốc Đông y hoặc các cơ sở dược liệu. Để sử dụng được trong thời gian lâu, bạn nên tìm mua các sản phẩm đã sơ chế khô.

Giá thành sản phẩm trên thị trường rất rẻ, thông thường có giá như sau:

  • Thân và lá khô: 120.0000 VNĐ/1kg.
  • Cây nguyên lá khô: 180.000 VNĐ/1kg.
  • Rễ khô: 200.000 VNĐ/1kg.
  • Hạt giống: 99.000 VNĐ/gói.

Ngoài ra, người dùng có thể tìm mua và sử dụng dược liệu đã được bào chế dưới dạng: Trà bồ công anh, cao bồ công anh, thuốc viên nén, chiết xuất dạng lỏng. 

Nếu muốn sử dụng dạng tươi, tốt nhất bạn nên tìm đến vườn thuốc lựa chọn trực tiếp để đảm bảo chất lượng.

Lưu ý và kiêng kỵ khi sử dụng dược liệu

Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu bồ công anh chữa bệnh là:

  • Trong thảo dược có chứa một lượng đáng kể kali khi sử dụng kèm một số thuốc lợi tiểu khiến tăng nồng độ kali, làm mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể.
  • Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 12 đến 40g để tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn như: Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi sỏi mật, viêm túi mật, phản ứng mẫn cảm, viêm da tiếp xúc,…
  • Khi sử dụng chung với thuốc kháng sinh có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.

Vì vậy các đối tượng cần hạn chế hoặc không nên sử dụng vị thuốc này là:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Những người có cơ địa mẫn cảm với các thành phần có trong loại thảo dược này.
  • Người mắc bệnh đái tháo đường, mất cân bằng điện – nước sinh lý, tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết.
  • Người mắc hội chứng ruột kích thích, tắc nghẽn ống dẫn mật, tắc ruột, bệnh tiêu hóa,…

Bồ công anh là cây thuốc quý được dùng điều trị rất nhiều bệnh trong Đông y. Vì vậy bạn có thể tham khảo các bài thuốc được giới thiệu trên đây để sử dụng dược liệu bồ công anh bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình.

Dành cho bạn