Viêm Họng Cấp Tính: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Chữa Trị

Viêm họng cấp tính là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người gặp phải. Đây là một trạng thái viêm nhiễm của niêm mạc họng, thường xuất hiện với các triệu chứng khó chịu như đau rát họng, khó nuốt, ho kéo dài, sốt, nhức đầu, mệt mỏi…. Bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Đông Y Việt Nam tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây. 

Viêm họng cấp tính là gì?

Bệnh viêm họng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng, thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Đây là một bệnh lý phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Các triệu chứng của bệnh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, từ vài ngày đến một vài tuần. 

Bệnh viêm họng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng
Bệnh viêm họng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng

Bệnh tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để chăm sóc và điều trị bệnh viêm họng hiệu quả, người bệnh có thể tự cải thiện tại nhà hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Nếu triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 10 ngày hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được đánh giá và tư vấn điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây viêm họng

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm họng cấp tinh đó là do vi khuẩn và virus, cụ thể như: 

  • Virus: Hầu hết các trường hợp bị viêm họng là do virus gây ra. Người bệnh có thể bị nhiễm một số loại virus phổ biến như: Adenovirus, Enterovirus, Herpangia, Coxsackie A16, Herpes simplex (HSV), Virus sởi,…
  • Vi khuẩn: Khoảng 20% bệnh nhân bị viêm họng cấp là do vi khuẩn gây nên, bao gồm các loại vi khuẩn như: Liên cầu khuẩn nhóm A, vi khuẩn bạch hầu, vi khuẩn Fusobacterium Necrophorum, vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn Arcanobacterium,…

Ngoài ra, bệnh viêm họng cấp còn xuất hiện do nhiều yếu tố tác động như:

  • Vệ sinh răng miệng và vùng mũi họng không sạch sẽ.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc lá và uống nhiều rượu bia.
  • Đang bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng
  • Thời tiết thay đổi thất thường, bị nhiễm gió lạnh.
  • Ô nhiễm môi trường như khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, khí thải công nghiệp, khói xe,…
  • Sử dụng một số loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như rau sống, đồ tái, sasimi, tiết canh,…

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Mỗi tác nhân gây bệnh đều có những triệu chứng đặc thù riêng. Tuy nhiên đa phần các trường hợp bị viêm họng cấp đều có những dấu hiệu điển hình như sau:

  • Sốt: Người bệnh bị viêm họng cấp thường xuất hiện triệu chứng sốt cao từ 38-39 độ C, thậm chí là trên 40 độ C.
  • Đau họng: Xuất hiện triệu chứng đau rát họng do vi khuẩn hoặc virus tấn công niêm mạc họng. 
  • Khó nuốt: Người bệnh có dấu hiệu nuốt vướng, đau khi nuốt nước bọt hoặc khi ăn uống.
  • Ho: Ban đầu người bệnh sẽ có triệu chứng ho khan. Sau đó sẽ tiến triển dần thành ho có đờm.
  • Ngạt mũi: Bệnh nhân bị sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi. Dịch mũi ban đầu có màu trong, sau đó có thể chuyển dần thành dạng đặc, có màu vàng hoặc xanh.
  • Sưng đau hạch góc hàm: Người bệnh sờ thấy có cục hạch ở góc hàm, chúng nổi lên khá rõ và gây đau.
  • Giọng nói bị thay đổi: Tình trạng viêm họng khiến người bệnh khó nói, khàn giọng hoặc thậm chí là mất tiếng.
  • Hơi thở có mùi: Vi khuẩn tích tụ trong vùng hầu họng và khoang miệng khiến hơi thở của người bệnh có mùi hôi khó chịu.
  • Mệt mỏi: Bệnh viêm họng còn gây ra nhiều triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, đau nhức toàn thân, khó tập trung,…
Người bệnh có triệu chứng đau rát và ngứa họng
Người bệnh có triệu chứng đau rát và ngứa họng

Viêm họng cấp có gây nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp bị viêm họng cấp đều không gây nguy hiểm. Người bệnh chỉ cần chăm sóc và điều trị đúng cách thì bệnh sẽ thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên nếu người bệnh có sức đề kháng yếu và không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển nặng và có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn.

Một số biến chứng thường gặp của bệnh viêm họng cấp tính bao gồm: Viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm họng mạn tính, áp xe amidan, thấp tim, viêm cầu thận cấp,…  Thông thường các biến chứng này sẽ xuất hiện ở những bệnh nhân bị bệnh do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).

Đặc biệt, người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu thấy có những dấu hiệu sau:

  • Sốt nhẹ, sốt cao.
  • Phát ban.
  • Khó thở, khó nuốt.
  • Đau khớp.
  • Các cơn đau xuất hiện một cách bất thường.

Chẩn đoán viêm họng cấp

Thông thường người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám lâm sàng, hỏi thăm về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh. Cụ thể, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm họng cấp nếu có các biểu hiện lâm sàng như: Đau rát họng, ho có đờm hoặc ho khan, sốt, đau mỏi toàn thân, có hạch góc hàm di động, ấn đau, niêm mạc họng sưng đỏ, amidan sưng nề và có chấm mủ trắng.

Một số trường hợp đặc biệt, xuất hiện các triệu chứng phức tạp, có nguy cơ chuyển biến nặng thì cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán cao cấp hơn. Một số xét nghiệm xác định nguyên nhân gây viêm họng cấp bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu: Viêm họng cấp khi bị bội nhiễm sẽ làm tăng lượng bạch cầu đa nhân trung tính trong máu, đây là cơ sở để chẩn đoán.
  • Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Mục đích là tìm ra chính xác loại vi khuẩn gây bệnh là gì. Từ đó lựa chọn loại thuốc kháng sinh sao cho hiệu quả, tránh tình trạng nhờn thuốc.

Ngoài ra, bệnh viêm họng cấp còn dễ bị nhầm lẫn với các trường hợp như viêm niêm mạc miệng, dị vật đường thở, lao họng, nấm họng, viêm họng bạch cầu,… nên cần xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.

Điều trị hiệu quả bệnh viêm họng cấp tính

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp người bệnh điều trị hiệu quả bệnh viêm họng cấp. Dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và cơ địa của từng người mà bạn có thể lựa chọn biện pháp chữa bệnh sao cho phù hợp. Dưới đây là một số cách chữa khá phổ biến, bạn có thể tham khảo:

Áp dụng mẹo dân gian

Chữa viêm họng cấp bằng mẹo dân gian là phương pháp được rất nhiều người áp dụng bởi vì nó an toàn, lành tính và mang đến hiệu quả cao. Đặc biệt các mẹo này đều có thể sử dụng cho cả trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.

Lá húng chanh: Lá húng chanh có mùi thơm, tính ấm, vị the cay, hơi chua, có tác dụng giúp bổ phổi, nhuận phế, giải cảm, tiêu độc, giảm ho. Vì vậy nguyên liệu này có thể dùng để chữa bệnh viêm họng cấp tính.

Lá húng chanh có tác dụng chữa bệnh viêm họng rất hiệu quả
Lá húng chanh có tác dụng chữa bệnh viêm họng rất hiệu quả

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 15 lá húng chanh tươi, 4 quả quất, 50g đường phèn.
  • Lá húng chanh đem rửa sạch, ngâm nước muối 10 phút.
  • Quả quất rửa sạch, bổ đôi, có thể bỏ hạt cho bớt đắng.
  • Cho lá húng chanh, quất và đường phèn vào bát nhỏ. 
  • Mang hấp cách thủy hoặc hấp cơm trong vòng 20 phút.
  • Dằm miếng quất để gạn lấy nước uống.
  • Mỗi ngày uống từ 2-3 lần, mỗi lần 2 thìa. 
  • Người lớn có thể ngậm luôn miếng quất ở trong miệng sau đó nhai và nuốt.
  • Thực hiện đều đặn trong 3-5 ngày các triệu chứng viêm họng sẽ giảm dần.

Cam thảo: Dân gian thường sử dụng cam thảo để hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh viêm họng như ho khan, ho có đờm, đau rát họng,… Đông y cho biết, cam thảo có vị ngọt, tính bình, giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, trị ho, kháng viêm, diệt khuẩn. Thường được Y học sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm họng.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 10g cam thảo.
  • Cho cam thảo vào hãm với 100ml nước sôi.
  • Uống trà cam thảo mỗi ngày từ 2-3 lần.
  • Sử dụng liên tục trong nhiều ngày đạt được hiệu quả cao.

Mật ong: Trong thành phần của mật ong có chứa hàm lượng lớn vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể. Ngoài ra mật ong còn có một lượng nhỏ chất chống oxy hóa bao gồm chrysin, pinobanksin, catalase và pinocembrin, giúp sát trùng, làm dịu cổ họng và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Cách thực hiện:

  • Pha khoảng 2 thìa mật ong nguyên chất vào 200ml nước ấm.
  • Cho thêm 1 thìa nước cốt chanh vào và khuấy đều.
  • Uống trà mật ong ngay khi còn ấm nóng.
  • Mỗi ngày uống từ 1-2 cốc.
  • Nên dùng vào buổi sáng và tối cho đến khi bệnh được cải thiện.

Gừng: Theo nghiên cứu của Y học hiện đại, trong thành phần của gừng có chứa hợp chất gingerols và shogaols, có tác dụng giúp kháng viêm, diệt khuẩn, giảm ho và đau họng hiệu quả. Ngoài ra, chất chống oxy hóa có trong gừng cũng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhanh khỏe mạnh.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nhánh gừng tươi, đem rửa sạch, cạo sạch vỏ và đập dập.
  • Cho gừng vào hãm với nước sôi như hãm trà.
  • Sau khoảng 10 phút bạn vớt bã gừng ra và cho thêm 1-2 thìa mật ong vào.
  • Khuấy đều và uống trà gừng ngay khi còn ấm nóng.
  • Áp dụng mỗi ngày 1 lần cho đến khi bệnh được cải thiện.

Dùng các loại thuốc Tây y

Người bệnh bị viêm họng cấp tính thường có xu hướng sử dụng thuốc Tây y để cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh. Thuốc sử dụng đơn giản, hiệu quả và không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Một số loại thuốc được dùng phổ biến phải kể đến như:

  • Thuốc kháng viêm NSAID

Các loại thuốc kháng viêm phổ biến bao gồm: Diclofenac, Ibuprofen,… Thuốc có tác dụng làm giảm đau, giảm viêm, hạ sốt, giảm triệu chứng sưng tấy, nóng đỏ ở vòm họng do bệnh viêm họng gây ra. Trong quá trình sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây ra một số phản ứng phụ như tiêu chảy, ngứa da, chóng mặt, mờ mắt, ù tai, táo bón, đau bụng, khó chịu ở dạ dày, ợ chua, đầy hơi, nhức đầu, ợ nóng nhẹ, căng thẳng,…

Thuốc kháng viêm NSAID giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh
Thuốc kháng viêm NSAID giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh
  • Thuốc kháng sinh

Nếu nguyên nhân gây viêm họng cấp tính là do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc kháng sinh như amoxicillin, cephalexin, erythromycin, penicillin,… Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa viêm nhiễm, bội nhiễm tại vùng niêm mạc họng. Khi dùng nhóm thuốc này người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Hoại tử da, giảm bạch cầu, vàng da, ứ mật, tiêu chảy, nôn ói, viêm gan…

  • Thuốc giảm đau hạ sốt

Nhóm thuốc này bao gồm các loại thuốc phổ biến như Paracetamol và Aspirin. Công dụng chính của thuốc là giúp giảm đau rát họng, đau đầu, đau cơ, sốt,… Thuốc dùng trong thời gian ngắn với liều lượng thấp, tránh dùng lâu dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ như sưng môi, khó thở, đau dạ dày, buồn ngủ…

  • Thuốc chứa Corticosteroid

Người bị viêm họng cấp ở mức nghiêm trọng sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc chứa Corticosteroid như: Dexamthason, Betamethason, Prednisolone. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm phản ứng dị ứng, giảm sưng tấy viêm nhiễm ở niêm mạc. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số phản ứng phụ nếu dùng liều cao, bao gồm: Khó ngủ, ợ nóng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vã nhiều mồ hôi, sưng phù, thay đổi chu kỳ kinh, dễ chảy máu, sốc phản vệ, co giật, tăng đường huyết, đau ngực…

  • Thuốc súc họng

Thuốc súc họng có chứa các thành phần như NaCl, xylitol, acid boric, menthol…. có tác dụng giúp làm sạch đường thở, từ đó giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong cổ họng. Người bệnh cần súc họng mỗi ngày từ 2-3 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Phồng rộp môi, phát ban, ngứa họng, toát mồ hôi…

Uống thuốc Đông y

Chữa viêm họng cấp bằng thuốc Đông y cũng là phương pháp được rất nhiều người bệnh lựa chọn. Thuốc Đông y chủ yếu được bào chế từ dược liệu tự nhiên nên rất an toàn, lành tính, dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh nhân bị viêm họng có thể tham khảo sử dụng một số bài thuốc Đông y dưới đây:

Bài thuốc chữa viêm họng cấp tính ở thể nhẹ

Người bệnh có các triệu chứng như: Cổ họng bị phù nề, viêm đỏ nhưng chưa sưng to, sốt trên 38 độ kèm theo là tình trạng nóng rát, khô và đau cổ họng. Trường hợp này có thể tham khảo dùng hai bài thuốc Đông y dưới đây:

Bài thuốc 1:  

  • Thành phần: 16g huyền sâm, 16g kim ngân hoa, 12g toái cốt tử, 12g đại liên tử, 12g á thực, 8g cam thảo, 6g cát cánh, 6g bạch dược, 5g bạc hà, 5g kinh giới.
  • Cách dùng: Rửa sạch các nguyên liệu trên đem sắc với 800ml nước. Đun sôi nhỏ lửa đến khi còn 200ml nước thì dừng. Gạn lấy nước thuốc để uống, chia thành 2-3 phần và uống hết trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang và không để thuốc qua đêm.

Bài thuốc 2: 

  • Thành phần: 16g kim ngân hoa, 16g cây cỏ mực, 12g sinh địa, 12g sơn đậu căn, 16g diếp hoang, 8g bạc hà, 8g ngưu bàng tử, 6g cát cánh, 6g ô phiến.
  • Cách dùng: Rửa sạch các vị thuốc trên và sắc với 700ml nước. Đun sôi nhỏ lửa cho đến khi nước thuốc cạn còn 200ml nước thì tắt bếp. Chia thuốc thành 3 phần và uống vào buổi sáng, trưa, tối. Nên kiên trì sử dụng trong thời gian dài để đạt hiệu quả cao.
Các bài thuốc Đông y có tác dụng hiệu quả trong điều trị viêm họng cấp tính
Các bài thuốc Đông y có tác dụng hiệu quả trong điều trị viêm họng cấp tính

Bài thuốc chữa viêm họng ở thể nặng

Người bệnh có triệu chứng như: Amidan sưng to, niêm mạc họng phù nề, có cảm giác vướng víu, ngứa ngáy, khó nuốt, đau cổ họng khi ăn uống, nuốt nước bọt hoặc khi nói chuyện, đau đầu,… Một số bài thuốc Đông y chữa viêm họng cấp tính ở thể nặng bao gồm:

Bài thuốc 1: 

  • Thành phần: 40g bằng thạch sống, 16g kim ngân hoa, 16g huyền sâm, 12g chi tử, 12g hủ trường, 4g bạc hà, 12g đạm trúc diệp, 8g bạch dược, 8g quốc lão, 4g hoàng liên.
  • Cách dùng: Cho băng thạch vào ấm nước nấu với 500ml nước trong 10 phút. Sau đó cho thêm các nguyên liệu còn lại vào (trừ bạc hà). Sắc thuốc đến khi nước cạn còn 1 nửa thì mới cho bạc hà vào. Tiếp tục đun sôi nhỏ lửa nồi thuốc thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp. Mỗi ngày uống 1 thang, nên chia thuốc làm 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối.

Bài thuốc 2: 

  • Thành phần: Băng thạch 20g, lộc trường 16g, kim ngân hoa 20g, địa hoàng 16g, cam thảo đất 16g, hoàng liên 12g, phục xà bì 12g, xạ can 8g.
  • Cách dùng: Các vị thuốc trên đem sắc với nước cho đến khi thu được nước thuốc ở dạng cô đặc. Người bệnh tắt bếp rồi chia thành 2-3 lần và uống ngay khi còn ấm.

Bệnh viêm họng cấp tính nên ăn gì và kiêng gì?

Đối với người bị bệnh viêm họng cấp, chế độ ăn uống sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh. Dưới đây là những loại thực phẩm phổ biến người bệnh nên và không nên sử dụng:

Thực phẩm nên dùng:

  • Nước ấm/trà ấm: Nước ấm có tác dụng giúp làm giảm cảm giác đau rát họng. Bạn có thể dùng nước lọc hoặc các loại trà ấm như trà mật ong chanh, trà hoa cúc, trà gừng,…
  • Thức ăn lỏng dễ nuốt: Người bị viêm họng nên dùng các loại thực phẩm như cháo, súp, sinh tố, chè, canh rau củ để giảm ma sát với niêm mạc cổ họng. Từ đó giảm cảm giác đau rát, khó nuốt.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ từ rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, các loại hạt,… có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu cổ họng và tăng cường sức đề kháng. Nhờ đó giúp các tổn thương tại niêm mạc nhanh được chữa lành.
  • Sữa tươi: Bổ sung sữa tươi sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, tăng cường miễn dịch và không còn cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, sữa tươi còn có nhiều thành phần giúp phục hồi vết thương trong cổ họng do sự tấn công của vi khuẩn.

Thực phẩm không nên dùng:

  • Đồ ăn cay nóng: Thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ có thể làm tăng cảm giác đau rát, sưng tấy bên trong niêm mạc họng. Vì vậy người bệnh cần tránh sử dụng các món ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt, lẩu cay, mì cay,…
  • Thức ăn khô và cứng: Các loại thức ăn như bánh mì giòn, bánh quy, snack, gà chiên, thịt rán… có thể cọ sát với niêm mạc, khiến người bệnh cảm thấy bị đau rát, khó chịu. Trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến chảy máu, gây ứ đờm nghiêm trọng.
  • Thức ăn và đồ uống lạnh: Thức ăn và đồ uống lạnh có thể khiến tình trạng ngứa rát và khó chịu trong cổ họng tăng lên, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Vì vậy khi bị viêm họng bạn nên tránh xa các loại thực phẩm như nước đá, kem lạnh, trà sữa, trà đá….
  • Rượu, bia và thuốc lá: Hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas, cà phê,… không chỉ làm tổn thương niêm mạc họng, khiến cơ thể mất nước mà còn làm suy giảm hệ miễn dịch. Từ đó làm cho bệnh kéo dài và lâu khỏi.
Người bệnh không nên ăn thực phẩm lạnh
Người bệnh không nên ăn thực phẩm lạnh

Phòng ngừa viêm họng cấp

Bệnh viêm họng cấp tính là một căn bệnh phổ biến. Nếu không được phòng ngừa và điều trị đúng cách sẽ dễ phát triển thành thể mãn tính, khiến bệnh tái phát liên tục. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả, người bệnh cần nắm rõ: 

  • Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống khoa học, dinh dưỡng hợp lý. Nên bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi, cá biển, quả hạch,…
  • Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh về đường hô hấp trên như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang,…
  • Bỏ rượu, bia, thuốc lá, tránh sử dụng những thực phẩm tái, sống, chua, cay, lên men,…
  • Tập thể dục mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn máu để cơ thể luôn khỏe mạnh.
  • Tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, dọn dẹp phòng ngủ và giặt mới chăn gối hàng tuần để tránh bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ.
  • Vệ sinh răng miệng mỗi ngày bằng cách đánh răng thường xuyên và súc miệng bằng nước muối để loại bỏ vi khuẩn tích tụ ở vùng hầu họng.
  • Tránh tiếp xúc với các nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, nước hoa, hóa chất,…
  • Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để tránh các tác nhân khác như bụi bẩn, khói xe, ánh nắng mặt trời,…
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là vùng mũi, họng và cổ, không dầm mưa và đi ngoài nắng quá lâu.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những nơi công cộng khác.
  • Nếu nghi ngờ có các dấu hiệu của bệnh viêm họng cấp thì cần điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng.

Trên đây là những thông tin khá chi tiết về bệnh viêm họng cấp tính. Mong rằng với chia sẻ này, người bệnh sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Thông qua đó bạn có thể dễ dàng xử lý bệnh và chủ động phòng ngừa để cơ thể luôn khỏe mạnh. 

5/5 - (1 bình chọn)

CÓ THỂ BẠN CẦN

Tin mới

Huyệt túc tam lý nằm ở đâu? Cách châm cứu huyệt trị bệnh

12+ Loại Thuốc Đau Bụng Kinh Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay

Những Loại Thuốc Chữa Viêm Hang Vị Dạ Dày An Toàn, Hiệu Quả Nhất

Top 11 bài tập chữa yếu sinh lý nam hiệu quả nhất

Viêm xoang hàm có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Có Nên Bọc Răng Sứ Không? Quy Trình Và Những Điều Bạn Cần Lưu Ý

Quy Trình Bọc Răng Sứ Chuẩn Và Những Điều Bạn Cần Lưu Ý

Top 10+ thuốc chữa đau dạ dày cho trẻ em được chuyên gia đánh giá cao

Các phương pháp chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả cao nhất

Thuốc Chữa Viêm Họng Được Các Chuyên Gia Khuyên Dùng

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?